Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

CHIA BUỒN


  NAM MÔ TIẾP DẪN ĐẠO SƯ A DI ĐÀ PHẬT

GIA ĐÌNH PHẬT TỬ PHƯỚC SƠN HUYỆN TÂY SƠN 

ĐƯỢC TIN

Huynh Trưởng Cấp Tín

NHUẬN THÀNH - PHAN NGỌC NAM

Sinh năm 1961

Ủy Viên Nam Phật Tử BHD Phân Ban GĐPT Bình Định, Liên Đoàn Trưởng GĐPT Huệ Quang
 Huyện Phù Cát Tỉnh Bình Định
Đã ngộ nạn giao thông, ra đi vào lúc 7g30 ngày 30.10.2013 (ÂL 26/09/ Quý Tỵ) tại Đường 3/2 Thị Trấn Ngô Mây Huyện Phù Cát, Bình Định. Hưởng dương 52 tuổi.
 
XIN THÀNH THẬT CHIA BUỒN CÙNG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ HUỆ QUANG HUYỆN PHÙ CÁT VÀ GIA QUYẾN .
NGUYỆN CẦU HƯƠNG LINH 
NHUẬN THÀNH - PHAN NGỌC NAM 
VÃNG SANH PHẬT QUỐC

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

ĐỆ THẬP NGŨ CHU NIÊN GIA ĐÌNH PHẬT TỬ BỬU LÂM - TÂY SƠN, BÌNH ĐỊNH

         Gia đình Phật tử Bửu Lâm sinh hoạt tại chùa Bửu Lâm, xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. GĐPT Bửu Lâm được tách ra từ GĐPT Phước Long sau khi địa phương tách xã Bình Phú thành hai xã Tây Xuân và Tây Phú. Trải qua 15 năm xây dựng và trưởng thành, GĐPT Bửu Lâm được xếp là một đơn vị mạnh của GĐPT huyện Tây Sơn. Dù trải qua nhiều bước thăng trầm, đoàn số biến động lên xuống tùy theo từng thời kỳ nhưng GĐPT Bửu Lâm luôn duy trì sinh hoạt đều đặn không gián đoạn. Công tác giáo dục đào tạo huynh trưởng, đoàn sinh được chăm lo .Thường xuyên tham gia thi vượt bậc cho đoàn sinh, gửi Huynh trưởng đào tạo các cấp. GĐPT Bửu Lâm xứng đáng là ngọn cờ đầu của GĐPT huyện Tây Sơn.
          Dự Lễ Chu niên lần thứ 15 của GĐPT Bửu Lâm có Đại Đức Thích Viên Kiến Trú trì chùa Bửu Lâm. Anh HTr cấp Tín Quảng Xuân Nguyễn Văn Bông Ủy Viên BHD Phân ban GĐPT Bình Định Trưởng Ban Điều hành GĐPT huyện Tây Sơn. Các anh chị trong BĐH GĐPT huyện Tây Sơn và đại diện các đơn vị Phước Sơn, Thiên Tôn, Phổ Quang, Thiên Phước. Chơn Truyền, Hội Quang Thắng, Vính Lộc cũng về chung vui với GĐPT Bửu Lâm. Cùng đông đảo phụ huynh đoàn sinh và bà con đạo hữu chùa Bửu Lâm về dự.
          Dưới đây là một số hình ảnh của buổi lễ.




Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Thơ Như Vũ: TIẾNG GỌI ĐÒ




                   Đôi bờ sông chảy mênh mông
con đò tách bến chìm trong sương mờ!

Ngủ mê
thức tiếng gọi đò
mở mắt chợt thấy
bóng cò vút qua
đàn cò trắng tít non xa
lòng sông trong vắt- chắt ra
bóng mình…

Con đò xuôi chảy lặng thinh
còn anh lái ngủ cười tình khoang mơ?
chiều nay,
đò lạc bến thơ
tưởng đâu xứ lạ
luân hồi hóa quen…

Mái chèo khua trắng lênh đênh
đi về cội thức xóa tên một người!

                                     Như Vũ
                                       Nguyễn Ngọc Thơ

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

LỄ LÊN ĐOÀN

     Hôm nay, Chủ nhật ngày 20 tháng 10 năm 2013 nhằm ngày 16 tháng 9 năm Quý Tỵ- Phật lịch 2557. Gia đình Phật tử Phước Sơn tổ chức Lễ lên Đoàn cho 10 đoàn sinh Oanh vũ lên ngành Thiếu ( 06 nữ và 04 nam ). 15 giờ 30 phút toàn thể Huynh trưởng và đoàn sinh vân tập trang nghiêm tại chánh điện chùa Phước Sơn cung nghinh Đại đức Thích Thanh Hiển - Cố vấn GĐPT Phước Sơn, Trú trì chùa Phước Sơn chứng minh và chủ sám cho buổi lễ. Mở đầu buổi lễ Đại đức niêm hương bạch Phật Ban huynh trưởng đã tổ chức lễ hành chánh theo đúng nghi thức của GĐPT. Hôm nay chị Quang Ái được phân công dẫn chương trình cho buổi lễ, mặc dù mới lần đầu dẫn lễ nhưng chị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau khi trao quyết định công nhận lên Đoàn cho các đoàn sinh. Đại đức Cố vấn ban Đạo từ. Thầy chúc mừng các em và dặn dò các em phải luôn tinh tấn tu học rèn luyện bản thân để trở thành người phật tử chân chính. Sau nghi thức hành chánh gia đình tổ chức ăn chiều và nghỉ ngơi.
      Đúng 18 giờ 00 tiến hành nghi thức giao nhận đoàn sinh được tổ chức tại sân chùa. Đoàn sinh Phạm Thị Phương Trà thay mặt các đoàn sinh được lên đoàn phát biểu cảm tưởng nhân ngày lễ trọng đại của đời mình, lưu luyến chia tay tổ chim oanh mà các em đã gắn bó ba năm qua. Chị Quang Nga Đoàn trưởng đoàn Oanh vũ nữ thay mặc các huynh trưởng chăn đàn phát biểu tình cảm khi chia tay các em và gửi gắm các em cho các anh chị Huynh trưởng cầm đoàn ngành Thiếu tiếp tục dạy dỗ và giúp đỡ các em khỏi bỡ ngỡ trong những ngày đầu. Nghi thức đưa các em qua cầu tượng trưng cho việc các em bước sang một môi trường mới, là người lớn trưởng thành. sau khi nhận đoàn sinh chị Quang Giải thay mặt các anh chị huynh trưởng ngành Thiếu phát biểu tiếp nhận đoàn sinh và hứa sẽ giúp đỡ các em suốt thời gian sinh hoạt ngành Thiếu. 
     Để tạo ấn tượng cho các đoàn sinh mới lên Đoàn Ban huynh trưởng đã tổ chức trò chơi trong đêm, đưa các em vào rừng bạch đàn gần chùa để các em tự tìm đường về để các em tự thể hiện sự trưởng thành, tính tự chủ của người trưởng thành. Ban huynh trưởng dự trù tất cả các tình huống có thể xảy ra, bảo đảm cuộc chơi diễn ra an toàn tuyệt đối. 19g 30 dây thân ái ra về. Các em hân hoan và ấn tượng với buổi lễ. 
     Sau đó Ban huynh trưởng đã họp rút kinh nghiệm.
     DANH SÁCH ĐOÀN SINH NGÀNH OANH LÊN NGÀNH THIẾU

1.  PHẠM THỊ PHƯƠNG TRÀ          QUANG HƯƠNG
2.  LÊ BÍCH TRÂM                              QUANG ANH
3.  VÕ HỒ DIỄM HƯƠNG                  QUANG TRÀ
4.  NGUYỄN THỊ THU TUYẾT          QUANG NGUYỆT
5.  NGUYỄN THỊ MỸ LINH                 QUANG DIỆU
6.  NGUYỄN THỊ NGỌC MỸ              QUANG NGỌC
7.  NGUYỄN TRỌNG TIẾN                QUANG TIẾN
8.  NGUYỄN THÁI NHỰT                   QUANG ĐỨC
9.  NGÔ THÀNH LỢI                           QUANG LẠC
10.NGUYỄN TRUNG NAM                QUANG DŨNG
     Dưới đây là một số hình ảnh của buổi lễ.







Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

CÂU CHUYỆN HÀNG TUẦN

                                         CHUYỂN HÓA CƠN GIẬN

             Anh chị em  thân mến,

           Có lẽ ai đã đọc Tam Quốc thì còn nhớ chuyện Gia Cát chọc tức Chu Du ba lần, Chu Du chỉ chịu được hai lần, đến lần thứ ba thì nổi tức mà chết.

           Sỡ dĩ như vậy làn vì Chu Du cố đè nén cơn giận chứ không biết chuyển hóa cơn giận.

         Thực tế chúng ta cũng đã từng thấy, có những bà vợ giận chồng, cố nhịn để gia đình được êm ấm mà có êm ấm được đâu, mỗi ngày mỗi chuốc lấy buồn phiền, rồi khi không còn đè nén được nữa lại nổ tung ra, quát tháo, hầm hét, đập vỡ chén bát,…
Lại cũng có câu chuyện này (chuyện có thật): Trong giờ học của một cô giáo, có một học sinh ngỗ nghịch, biếng học, nhiều lần không thuộc bài, cô giáo rầy la, quát nạt. Em về chỗ càm ràm với bạn, cố ý nói hỗn để cô giáo nghe: “Năm, sáu năm nữa, tao sẽ về dạy lại cô”.

           Nếu anh chị em mình là cô giáo ấy thì sẽ xử sự ra sao nhỉ?

           Có biết không, cô giáo lặng lẽ bước xuống lớp, vỗ vai em đó: “Cô cảm ơn em nhiều lắm, cô sẽ chờ đợi đến ngày đó, nhưng muốn có ngày đó thì bây giờ em phải cố gắng học tập đi”.

            Từ đó em này không còn lười học nữa.

           Sáu năm sau, thầy trò gặp lại nhau, vui mừng lắm, người học trò năm xưa vồn vã nắm lấy tay cô giáo: “Nhờ cô mà em mới có được ngày hôm nay…”

            Có lẽ chúng ta cũng nên học tập cô giáo này trong việc giáo dục các em của mình.

           Tôi thầm đoán có thể cô giáo này cũng là một Huynh trưởng lâu năm trong GĐPT hay cũng là một Phật tử thuần thành thường xuyên đi nghe giảng giáo lý và biết áp dụng vào việc tu tập hàng ngày.

           Thế đó, thưa các anh chị. Khi cơn giận đến, mình đừng đè nén mà phải biết cách chuyển hóa cơn giận. Trong Đạo Phật có nhiều cách để chuyển hóa.

           Ngày xưa, ở chùa Tô Châu, Trung Quốc, có vị trụ trì Viên Như Trung làm cái quan tài nhỏ đặt trên bàn giấy của mình. Một hôm, có một văn nhân đến thăm, thấy vậy, hỏi: “Thầy đặt cái quan tài con này trên bàn giấy để làm gì?”. Thầy đáp: “Để Phật tử đến thăm tôi cho Phật tử ngắm nghía để thấy rằng một ngày kia, dù xa, dù gần, mình cũng nằm vào trong quan tài đó, thế thì bao nhiêu danh lợi mình còn bôn ba làm gì, bao nhiêu phiền muộn lo âu sao mình không trút hết đi để tâm hồn được lắng dịu. Cứ chật vật chạy đôn chạy đáo để rồi khi nhắm mắt buôn tay không có được một ngày thanh thản! Còn đối với bạn thân tôi thì cái quan tài này thay lời huấn, lời giáo của thầy tôi, của các vị minh sư. Mỗi lần có điều không như ý, tôi cầm quan tài lên chú tâm ngắm nhìn, tức khắc những gì vướng bận trong lòng đều tan biến, tâm được yên ổn, cảm thấy mình rất thanh thản”.

           Chúng mình cũng còn được quý thầy dạy về cách chuyển hóa cơn giận:

           Khi cơn giận đến, chúng ta phải nhận diện nó, biết rằng mình đang giận nhưng đừng đè nén, hãy mỉm cười, theo dõi hơn thở, cơn giận tự nó sẽ nguôi hoặc biến mất. Chúng ta cũng có thể quán chiếu để thấy được nguyên nhân mà người kia gây ra cơn giận cho mình. Có nhiều khi người ấy cũng đang đau khổ, cũng đang có gì bực bội, chúng ta phải thương lấy họ. “Giận cá chém thớt” mà! Chúng ta cũng từng thấy, có những giáo viên mang những bực bội trong gia đình, đến lớp thường quát nạt học sinh, đó là chuyện thường tình. Nhiều khi có những người mang những niềm đau, nỗi khổ trong lòng, cái đau khổ đó biến thái đi thành sự giận dữ, chúng ta phải quán chiếu để thương họ.

           Nếu thực tập được như vậy thì bao giờ cũng có được sự vui hòa. Sở dĩ đôi khi có vài điều bất nghịch ý rồi chất chứa dần thành sự phẫn nộ không đáng có, những lớn tiếng trong buổi họp ban Huynh trưởng hay ban Hướng dẫn, không đáng xảy ra vì chúng ta chưa biết cách thực tập chuyển hóa cơn giận hoặc thực tập không đồng bộ hay còn yếu.

           Mong rằng tất cả chúng ta cố gắng thực tập đi thì bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, chúng ta cũng có được sự vui hòa.

           Rất mong.

           Thân ái Kính chào các anh chị

                                                                                                                                     BBT

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

THƠ NHƯ VŨ: TÌNH THƠ





         Biển xanh sóng vỗ dạt dào .
          Dư âm ghềnh đá dội vào cõi thơ          
          Tình như giấc mộng trai tơ      
         Yêu như cây cỏ ngóng chờ mưa xuân

Hoàng hôn gió rót trên ngàn
Đêm nay, hạ giới rước đèn vịnh thơ
Ô hay! Mây đứng ngẩn ngơ
Nhìn con trăng rớt dưới hồ mà thương!

         Ai ơi! Vớt đóa vô thường  
         Nhẹ tay kẻo vỡ sắc hường nhân gian
         Đường về Ô Thước gian nan                        
         Cỏ thơm héo úa cung đàn Ngân thương  

                             Riêng ta nửa gánh đời thường   
                             Lạc miền sầu nhớ miên trường tỉnh say 
                             Đất trời ngày tháng vẫn xoay
                             Lệ khô , khô tự bờ môi kiếp nào?

        Thôi đành gạt lệ vào thơ
        Nghìn thu xác lá vàng mơ cội nguồn!


                                Nguyễn Ngọc Thơ