Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

Bốn mươi lăm năm Hoằng Pháp của Đức Phật theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy



Năm đầu tiên (528 TTL): Sau khi thành đạo vào đêm rằm tháng Vesakha (tức tháng Tư âm lịch), Đức Phật đến ngụ tại khu vườn nai (Lộc uyển), vùng Chư thiên đọa xứ (Isipatana) tức Sa Nặc (Sarnath) ngày nay, gần thành Ba La Nại (Benares). Tại đó, Ngài giảng bài kinh đầu tiên, kinh Chuyển Pháp Luân, hóa độ năm anh em đạo sĩ Kiều Trần Như (Kodanna) và cư sĩ Da Xá (Yasa).
Năm thứ 2-4 (527-525 TTL): Ngụ tại thành Vương Xá (Rajagaha), kinh đô của xứ Ma Kiệt Đà (Magadha). Ngài cảm hóa vua Bình Sa (Bimbisara). Vua cúng dường khu rừng Trúc Lâm (Veluvana), ngoài cửa Bắc của thành Vương Xá, làm nơi trú ngụ của Ðức Phật và chư Tăng. Ngài thường đến núi Linh Thứu (Gijjhakuta) để giảng đạo.Trong thời gian này, Ngài hóa độ Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, y sĩ Kỳ Bạt (Jivaka) và trưởng giả Tu Đạt Cấp Cô Độc (Sudatta Anathapindika). Y sĩ Kỳ Bạt cúng dường khu vườn xoài làm tinh xá, và trưởng giả Cấp Cô Độc cúng dường tinh xá Kỳ Viên (Jetavana). Ngài trở về thăm phụ vương Tịnh Phạn (Suddhodana), và nhận hoàng tử La Hầu La (Rahula) vào hàng Sa di.
Năm thứ 5 (524 TTL): Ngụ tại Vệ Xá Li (Vesali), thủ đô của xứ Licchavi, và tại thành Vương Xá. Tại thành Vệ Xá Li, Đức Phật cứu độ dân chúng đang bị nạn hạn hán và bệnh dịch tả hoành hành. Vua Tịnh Phạn qua đời trong năm này. Ðức Phật thành lập giáo đoàn Tỳ khưu ni theo lời thỉnh cầu của bà di mẫu Maha Pajapati Gotami (Kiều Đàm Di).
Năm thứ 6 (523 TTL): Ngụ tại đồi Mankula, thành Kiều Thượng Di (Kosambi), xứ Vamsa, Ngài thu phục và giáo hóa các người ngoại đạo.
Năm thứ 7 (522 TTL): Theo Chú giải bộ Pháp Tụ và Chú giải kinh Pháp Cú (kệ 181), trong mùa hạ năm này, Đức Phật trú tại cõi trời Ðao Lợi (Tavatimsa). Ngài dạy Thắng pháp (Abhidhamma, Vi diệu pháp) cho chư Thiên và mẫu hậu Ma Da (Maha Maya). Mỗi ngày, Ngài trở về cõi người, tại thành Sankassa, tóm tắt lại cho Tôn giả Xá Lợi Phất để Tôn giả khai triển và giảng rộng ra cho hàng đệ tử.
Năm thứ 8 (521 TTL): Ngụ tại rừng Bhesakala, núi Cá Sấu (Sumsumaragiri), xứ Vamsa, Ngài giảng pháp cho bộ tộc Bhagga.
Năm thứ 9 (520 TTL): Ngu tại thành Kiều Thượng Di. Nhân khi bị bà thứ hậu Magandhiya của vua Udena oán ghét và bêu xấu, Ðức Phật dạy Tôn giả A Nan (Ananda) về hạnh kham nhẫn.
Năm thứ 10 (519 TTL): Ngụ tại rừng Parileyya gần thành Kiều Thượng Di. Không khuyên giải được các xung đột và tranh cãi giữa hai nhóm tu sĩ, Ðức Phật bỏ vào rừng sống độc cư trong suốt 3 tháng hạ, và hóa độ được một voi chúa và một chú khỉ. Hai con thú này đã giúp đỡ Ngài trong các công việc hằng ngày.
Năm thứ 11 (518 TTL): Ngụ tại làng Ekanala, phía Nam thành Vương Xá, Ngài hóa độ vị điền chủ Kasibharadvaja.
Năm thứ 12 (517 TTL): Ngụ tại Veranja, phía Nam thành Xá Vệ, Ðức Phật dạy Tôn giả Xá Lợi Phất rằng Ngài sẽ thiết chế giới luật vì có hoen ố phát sinh trong hàng Tăng chúng. Nếu không như thế, Giáo pháp sẽ không tồn tại lâu dài.
Năm thứ 13 (516 TTL): Ngụ tại núi đá Caliya.
Năm thứ 14 (515 TTL): Ngụ tại tinh xá Kỳ Viên, thành Xá Vệ (Savatthi). Tôn giả La Hầu La tròn 20 tuổi và thọ Cụ túc giới, trở thành một vị Tỳ khưu. Đức Phật hóa độ bà Tỳ Xá Khư (Visakha), về sau là vị nữ thí chủ bậc nhất trong hàng đệ tử cư sĩ.
Năm thứ 15 (514 TTL): Ngụ tại thành Ca Tì La Vệ (Kapilavatthu) của bộ tộc Thích Ca. Vua Thiện Giác (Suppabhuddha), cha của công chúa Da Du Đà La (Yosodhara), băng hà.
Năm thứ 16 (513 TTL): Ngụ tại vùng Alavi, phía Bắc thành Ba La Nại. Ngài hàng phục quỷ ăn thịt người Alavaka, sau đó, quỷ xin quy y Tam bảo và nguyện hộ trì Chánh pháp.
Năm thứ 17 (512 TTL): Ngụ tại tinh xá Trúc Lâm, thành Vương Xá.
Năm thứ 18 và 19  (511-510 TTL): Ngụ tại núi đá Caliya.
Năm thứ 20 (509 TTL): Ngụ tại tinh xá Trúc Lâm, thanh Vương Xá. Vào một buổi sáng, trên đường đi khất thực, Ngài hóa độ tướng cướp Vô Não (Angulimala). Ðức Phật bị ngoại đạo vu cáo là đã mưu sát bà Sundari.
Năm thứ 21 (508 TTL): Ngụ tại tinh xá Trúc Lâm, thành Vương Xá. Tôn giả A-nan (Ananda) chính thức nhận lời làm thị giả hầu cận Ðức Phật.
Năm thứ 22-44 (507-485 TTL): Trong thời gian 23 năm này, Đức Phật thường ngụ tại tinh xá Kỳ Viên. Ngài cũng đến ngụ tại tịnh xá Ðông viên (Pubbarama), phía Đông thành Xá Vệ, do bà Tỳ Xá Khư cúng dường. Hai vị Đại trưởng lão Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên lần lượt tịch diệt vào năm 485 TTL.
Năm thứ 45 (484 TTL): Ngụ tại làng Beluva, phía Nam thành Vệ Xá Li, Ngài trải qua một cơn bệnh rât trầm trọng. Sau khi bình phục, vào buổi trưa ngày rằm tháng Magha (tháng Giêng âm lịch), tại điện thờ Capala, Ngài tuyên bố sẽ nhập diệt sau 3 tháng. Đức Phật tiếp tục du hành qua các làng khác và nhập diệt tại làng Kushinagar của bộ tộc Malla, vào đêm trăng rằm tháng Vesakha (tương đương với tháng Tư âm lịch).
1) TTL: trước Tây lịch
2) Tham khảo:
- Ðức Phật và Phật pháp (The Buddha and His Teachings), Hòa thượng Narada, Phạm Kim Khánh dịch Việt, 1970.
- Ðức Phật Lịch sư (The Historical Buddha), H.W. Schumann, Trần Phương Lan dịch Việt, 1997.
- Tuần báo Giác Ngộ, số 67, ngày 12-7-1997.
         Bản để in    

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

CÂU CHUYÊN DƯỚI CỜ ngày 20 tháng 111 năm 2011

BÀI HỌC TỪ QUÀY CHUỐI
     Thầy không là chủ nhiệm lớp tôi, cũng không dạy tôi ở trường. Thầy chỉ dạy thêm tôi môn ngữ văn. Thế nhưng những bài giảng, những câu chuyện của thầy lại theo tôi đến suốt cuộc đời.
     Còn nhớ, dạo ấy chúng tôi đang là học sinh lớp 11. Nhiều bạn cũng bắt đầu tập tành yêu đương. Một số bạn bắt đầu sao nhãng chuyện học hành. Thầy nhắc nhở khéo nhưng nhiều bạn không nghe. Có bạn còn tranh luận với thầy chuyện tình yêu nam nữ không có gì xấu, không nên cấm cản.
Hôm đó, thầy không nói gì. Sang buổi học sau, trước khi vào lớp, thầy dắt cả lớp học thêm ra sau vườn nhà mình, tay cầm theo con dao lớn. Cả đám học trò chúng tôi đều rất ngạc nhiên, không biết thầy định làm gì. Không để chúng tôi đợi lâu, thầy chỉ tay vào quày chuối sống đang ở trên cây rồi nói thầy sẽ chặt chuối cho các em ăn.
     Cả nhóm nhao nhao lên giải thích cho thầy nghe chuối sống không thể ăn được. Sau khi bị cả nhóm ra sức ngăn cản, có vẻ thầy đã “tiếp thu” và quay trở về lớp học.
     Khi đó, thầy mới giảng giải cho chúng tôi tại sao chuối sống lại không ăn được. Thầy tiếp nối câu chuyện yêu đương sớm. Thầy cho chúng tôi thấy yêu đương không có gì xấu nhưng nếu không đúng lúc, không đủ độ chín chỉ ảnh hưởng và cho kết quả không tốt đẹp gì.
B.Đ. (Tiền Giang) Nguồn trích TTO

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Nhận biết nghiệp duyên

(do Nguyễn Thị Minh Tùng, ở USA, sưu tầm và "nhắn gởi"
Cảm ơn sự chia sẻ và đóng góp của MinhTùng)               
          Pháp Sư Chứng Nghiêm 
             Pháp Hạnh dịch 

      Ở đời, có những người khi mới gặp, chúng ta đã cảm nhận sức thu hút và cảm giác dễ gần. Cũng có những người khi mới gặp chúng ta đã thấy ác cảm. Người đó có thể là người tử tế và lịch thiệp, nhưng vì lý do gì đó, khi nhìn thấy họ, ta thấy dâng trào cảm giác khó ưa. Chỉ cần nhìn thấy mặt họ thôi cũng đủ làm cảm xúc chúng ta thay đổi. Đôi khi, chính chúng ta cũng không biết tại sao mình lại có phản ứng một cách tiêu cực như vậy đối với họ. Nếu không có sự kiềm chế, chúng ta có thể đã bày tỏ thái độ không được đẹp mấy đối với những người này qua lời nói cử chỉ không mấy tử tế. Tại sao điều này xảy ra?