CHUYỂN HÓA CƠN GIẬN
Anh chị em thân mến,
Có lẽ ai đã đọc Tam Quốc thì còn nhớ chuyện Gia Cát chọc tức Chu Du ba
lần, Chu Du chỉ chịu được hai lần, đến lần thứ ba thì nổi tức mà chết.
Sỡ dĩ như vậy làn vì Chu Du cố đè nén cơn giận chứ không biết chuyển hóa cơn giận.
Thực tế chúng ta cũng đã từng thấy, có những bà vợ giận chồng, cố nhịn
để gia đình được êm ấm mà có êm ấm được đâu, mỗi ngày mỗi chuốc lấy buồn
phiền, rồi khi không còn đè nén được nữa lại nổ tung ra, quát tháo, hầm
hét, đập vỡ chén bát,…
Lại cũng có câu chuyện
này (chuyện có thật): Trong giờ học của một cô giáo, có một học sinh ngỗ
nghịch, biếng học, nhiều lần không thuộc bài, cô giáo rầy la, quát nạt.
Em về chỗ càm ràm với bạn, cố ý nói hỗn để cô giáo nghe: “Năm, sáu năm
nữa, tao sẽ về dạy lại cô”.
Nếu anh chị em mình là cô giáo ấy thì sẽ xử sự ra sao nhỉ?
Có biết không, cô giáo lặng lẽ bước xuống lớp, vỗ vai em đó: “Cô cảm ơn
em nhiều lắm, cô sẽ chờ đợi đến ngày đó, nhưng muốn có ngày đó thì bây
giờ em phải cố gắng học tập đi”.
Từ đó em này không còn lười học nữa.
Sáu năm sau, thầy trò gặp lại nhau, vui mừng lắm, người học trò năm xưa
vồn vã nắm lấy tay cô giáo: “Nhờ cô mà em mới có được ngày hôm nay…”
Có lẽ chúng ta cũng nên học tập cô giáo này trong việc giáo dục các em của mình.
Tôi thầm đoán có thể cô giáo này cũng là một Huynh trưởng lâu năm trong
GĐPT hay cũng là một Phật tử thuần thành thường xuyên đi nghe giảng giáo
lý và biết áp dụng vào việc tu tập hàng ngày.
Thế đó, thưa các anh chị. Khi cơn giận đến, mình đừng đè nén mà phải
biết cách chuyển hóa cơn giận. Trong Đạo Phật có nhiều cách để chuyển
hóa.
Ngày xưa, ở chùa Tô Châu, Trung Quốc, có vị trụ trì Viên Như Trung làm
cái quan tài nhỏ đặt trên bàn giấy của mình. Một hôm, có một văn nhân
đến thăm, thấy vậy, hỏi: “Thầy đặt cái quan tài con này trên bàn giấy để
làm gì?”. Thầy đáp: “Để Phật tử đến thăm tôi cho Phật tử ngắm nghía để
thấy rằng một ngày kia, dù xa, dù gần, mình cũng nằm vào trong quan tài
đó, thế thì bao nhiêu danh lợi mình còn bôn ba làm gì, bao nhiêu phiền
muộn lo âu sao mình không trút hết đi để tâm hồn được lắng dịu. Cứ chật
vật chạy đôn chạy đáo để rồi khi nhắm mắt buôn tay không có được một
ngày thanh thản! Còn đối với bạn thân tôi thì cái quan tài này thay lời
huấn, lời giáo của thầy tôi, của các vị minh sư. Mỗi lần có điều không
như ý, tôi cầm quan tài lên chú tâm ngắm nhìn, tức khắc những gì vướng
bận trong lòng đều tan biến, tâm được yên ổn, cảm thấy mình rất thanh
thản”.
Chúng mình cũng còn được quý thầy dạy về cách chuyển hóa cơn giận:
Khi cơn giận đến, chúng ta phải nhận diện nó, biết rằng mình đang giận
nhưng đừng đè nén, hãy mỉm cười, theo dõi hơn thở, cơn giận tự nó sẽ
nguôi hoặc biến mất. Chúng ta cũng có thể quán chiếu để thấy được nguyên
nhân mà người kia gây ra cơn giận cho mình. Có nhiều khi người ấy cũng
đang đau khổ, cũng đang có gì bực bội, chúng ta phải thương lấy họ.
“Giận cá chém thớt” mà! Chúng ta cũng từng thấy, có những giáo viên mang
những bực bội trong gia đình, đến lớp thường quát nạt học sinh, đó là
chuyện thường tình. Nhiều khi có những người mang những niềm đau, nỗi
khổ trong lòng, cái đau khổ đó biến thái đi thành sự giận dữ, chúng ta
phải quán chiếu để thương họ.
Nếu thực tập được như vậy thì bao giờ cũng có được sự vui hòa. Sở dĩ đôi
khi có vài điều bất nghịch ý rồi chất chứa dần thành sự phẫn nộ không
đáng có, những lớn tiếng trong buổi họp ban Huynh trưởng hay ban Hướng
dẫn, không đáng xảy ra vì chúng ta chưa biết cách thực tập chuyển hóa
cơn giận hoặc thực tập không đồng bộ hay còn yếu.
Mong rằng tất cả chúng ta cố gắng thực tập đi thì bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, chúng ta cũng có được sự vui hòa.
Rất mong.
Thân ái Kính chào các anh chị
BBT