Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

CÂU CHUYỆN HÀNG TUẦN



Thưa Anh Chị Em,

Có nhiều người trong anh em bà con bạn bè của chúng ta thường nói rằng họ không tin vào một cái gì hết: Trời, Đất, Thánh, Thần, Phật, Chúa v.v.. họ không tin bất cứ một chủ thuyết nào, một giáo lý nào …. và còn tự hào về lời tuyên bố này nữa   !! Chúng ta đừng ngạc nhiên vì những người nói như vậy cách đây hơn 2600 năm, thời đức Phật còn tại thế, đã có rồi. Hôm nay xin kể câu chuyện đó cho Anh Chị Em nghe để chúng ta cùng suy gẫm, quán chiếu.

Du sĩ Dighanakha (chúng ta gọi tắt là Digha) là cậu ruột của tôn giả Xá Lợi Phất (Sariputta), một hôm đến thăm đức Phật và nói với ngài: Sa môn Gotama, ngài dạy giáo pháp gì? ngài chủ trương cái gì? chủ thuyết của ngài là thế nào? Riêng tôi, tôi không thích một chủ trương hay lý thuyết nào cả và tôi cũng không tin vào bất cứ chủ trương hay lý thuyết nào cả!

Đức Phật mĩm cười hỏi lại: vậy ngài có thích cái chủ trương “không thích” của ngài không? ngài có tin cái chủ trương “không tin” của ngài không?


Digha ngỡ ngàng, bối rối trước câu hỏi của đức Phật, ông ta bướng bỉnh nói: Sa môn Gotama, tôi thích hay không thích, tin hay không tin thì cũng vậy thôi, đâu có quan trọng gì?


Đức Phật từ tốn: Một khi đã kẹt vào một chủ thuyết rồi thì người ta mất hết tự do; người ta trở nên độc đoán, cố chấp, luôn nghĩ rằng chỉ có lý thuyết của mình là đúng với chân lý, ngoài ra đều là tà đạo! Thái độ cố chấp này chính là nguyên nhân gây ra những bất hoà, tranh chấp, cãi cọ, và những sự tranh chấp, gây gỗ đó có thể kéo dài bất tận, làm hao tốn thì giờ và có thể gây ra chiến tranh nữa. Cái đó gọi là kiến thủ; Kiến thủ là cố chấp vào một nhận thức hay một quan điểm, cho đó là chân lý tuyệt đối. Kiến thủ khiến chúng ta không thể mở rộng lòng ra để đón nhận chân lý, vì ta tự cho rằng mình đã “nắm được” chân lý trong tay rồi   !!


Digha hỏi: Vậy giáo lý của ngài dạy có phải là một chủ nghĩa không? Cố chấp vào nó có phải là kiến thủ không?


Đức Phật trả lời: giáo lý của tôi dạy không phải là một chủ nghĩa hay một lý thuyết vì nó không hình thành bởi tư duy ức đạt của trí óc mà đó là những kinh nghiệm của sự thực chứng. Những gì tôi nói ra đều đã thực chứng và bạn cũng có thể kiểm chứng lại bằng kinh nghiệm của chính bản thân bạn.


Digha tò mò: như vậy ngài đã dạy những gì và ngài đã thực chứng được điều gì?


Đức Phật trả lời: Tôi nói mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ là vô thường và không có tự ngã; điều này tôi đã chứng nghiệm và Bạn cũng có thể chứng nghiệm. Tôi nói mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ nương vào nhau mà sinh khởi, tồn tại và hoại diệt chứ không phải được hình thành do một nguyên nhân đầu tiên nào đó. Điều này tôi đã chứng nghiệm và bạn cũng có thể chứng nghiệm. Tôi nói: quán chiếu về Vô thường, Vô ngã và Duyên Khởi thì có thể đạt tới giải thoát và an lạc. Điều này tôi đã chứng nghiệm và bạn cũng có thể chứng nghiệm. Những điều tôi nói không có mục đích thuyết minh về vũ trụ, về thiên văn, địa lý …. mà chỉ có mục đích hướng dẫn sự thực tập và chứng nghiệm Thực Tại. Lời nói không diễn tả được thực tại, chỉ có kinh nghiệm trực tiếp mới cho phép ta tiếp xúc được với Thực Tại.


Nghe đến đây, Digha tỉnh ngộ, thốt lên: Sa môn Gotama, hay quá, hay quá! nhưng nếu có người nhận thức giáo pháp của ngài như một chủ thuyết thì sao?


Đức Phật im lặng một lát rồi gật đầu: Du sĩ Digha, câu hỏi của Bạn hay lắm; giáo pháp của tôi không phải là một chủ thuyết nhưng sau này và ngay cả bây giờ nữa, có thể có những người cho rằng giáo pháp ấy là 1 chủ thuyết! Tôi cần phải nói rõ với họ: giáo pháp của tôi là phương tiện để đi vào thực tại chứ không phải là thực tại, cũng giống như ngón tay chỉ mặt trăng nhưng ngón tay không phải là mặt trăng. Người khôn khéo phải biết nương vào ngón tay để thấy mặt trăng; còn nếu cố chấp cho rằng ngón tay chính là mặt trăng thì người ấy không thể nào còn thấy mặt trăng được. Giáo pháp của tôi là để thực tập chứ không phải để cất giữ, thờ phụng và ca ngợi. Giáo pháp của tôi dạy cũng như chiếc bè, chiếc bè dùng để qua bờ bên kia (bờ giải thoát) chứ không phải để vác lên vai mà tự hào hay ca tụng.


Thưa Anh Chị Em,

Đó là lý do tại sao trong 8 nhánh của Bát Chánh Đạo, Chánh Kiến là quan trọng nhất.


Trân trọng,
Nhóm Áo Lam 
NguồnGĐPT trên thế giới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét