Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

CÂU CHUYỆN HÀNG TUẦN


  
   Thưa Anh Chị Em Áo Lam,

     Tâm lý con người dù xưa hay nay, Đông hay Tây, Tăng hay tục cũng đều không khác; đó là lý do chúng ta học và hành những lời Phật dạy, dù những lời đó đã cách đây mấy ngàn năm. Phật giáo nói riêng, các tôn giáo nói chung, dù trong hệ thống nào thì vẫn là những tổ chức do con người đặt ra, mà con người thì muôn đời vẫn là con người (chưa phải Thánh) nên không thể nào tránh khỏi những vấn đề của con người: ganh tị, ngã mạn, nói xấu, chia rẽ, thóa mạ, v.v...


      Để đối trị với những tai hại do những thói xấu trên đây gây ra, chúng ta cần rèn luyện một đức tính; đó là “NHẪN”. Gương sáng của đức Nhẫn gần gũi với Anh Chị Em chúng ta nhất chính là Đại Lão Hoà thưọng Thích Minh Châu _ một ngôi sao sáng trên bầu trời Phật Giáo vừa vụt tắt.

Từ khi còn là Chú Minh Châu _ cố vấn giáo hạnh của các Gia Đình Phật Tử ở Huế _ cho đến khi đi du học Colombo trở về với nhiều bằng cấp nhiều học vị, nhiều chức vụ quan trọng …. rồi trở thành viện trưởng thiền viện Vạn Hạnh v.v.. ngài luôn đơn giản từ hình thức đến tâm hồn và đặc biệt là hạnh Nhẫn của ngài. Ai đã gặp ngài thì không thể nào quên nét mặt hiền hoà từ ái, giọng nói nhỏ nhẹ, đặc biệt với nụ cười mà Anh Chị Em chúng ta gọi là “nụ cười Di Lặc” (có người còn cho rằng các tượng Phật Di Lặc có nhiều tượng đức Phật có nét mặt không hiền lành bằng nét mặt Hòa Thượng Minh Châu !)

      Thầy không bao giờ “lên giọng” với ai cả, dù người ấy phạm lỗi gì, luôn nhẹ nhàng, lịch sự. Chắc chắn ngài đã loại bỏ hoàn toàn tâm sân rồi; thật là đáng bái phục !



      Trở lại với hạnh nhẫn nhục. Những lời của tôn giả Xá Lợi Phất dạy La Hầu La như vẫn còn đâu đây:
“người không biết nhẫn sẽ không tiếp thọ được Phật Pháp, giận đời, oán người là trái với Pháp, xa chư Tăng, thường luân hồi trong đường ác. Hạnh nhẫn nhục mới là hạnh an ổn, mới có thể tiêu trừ tai nạn. Người có trí tuệ thấy được nhân quả sâu xa, khắc phục tâm sân hận, thường hành nhẫn nhục. Tinh thần của Phật Pháp, chân nghĩa của Phật Pháp không giống như lối nhìn của người đời. Cái gì thế gian cho là quí thì Phật Pháp cho là hạ tiện; những gì Phật Pháp cho là tốt thì người đời không chịu làm theo! Trung không ưa nịnh, tà chẳng thích chánh, ác không thích đi chung với thiện, người tham dục thì ghét người vô dục, v.v.. Trong tình cảnh ấy, người có tu chỉ có việc nhẫn nhục vì nhẫn là duyên trợ đạo tốt nhất, nhẫn như thuyền bè trên sông biển, có thể vượt qua mọi sóng gió, nhẫn là thuốc hay trị bệnh cứu mạng con người khi lâm nguy. Người có đức nhẫn nhục được trời người kính ngưỡng, là vì tâm đã đủ sức để tự an ổn.”

      Ngày xưa cậu bé La Hầu La _ một thiếu niên mới 15 tuổi, đi khất thực cùng với sư phụ là tôn giả Xá Lợi Phất, bị kẻ côn đồ vô cớ chưởi bới, hành hung đến nỗi phải lỗ đầu chảy máu. La Hầu La nghe lời khai thị của sư phụ, lẳng lặng đến bên một ao nước, soi mặt xuống lau chùi và băng bó vết thương. Trong lúc tuổi trẻ máu nóng lại có thể nhẫn nhục như một vị Thánh, La Hầu La đã khiến cho sư phụ cũng được an tâm và tự hào về người đệ tử của mình.

      Thưa Anh Chị Em Áo Lam,


     Chúng ta cũng là đệ tử Phật, cần phải noi gương cậu bé này, cần phải có tinh thần nhẫn nhục, trong tâm không chứa niềm sân hận; lúc vinh dự đừng sinh lòng tự mãn, khi bị lăng nhục cũng đừng oán hận; đó chính là chúng ta đã điều phục được tâm giận dữ. Trên thế gian này không có gì sánh bằng người có sức nhẫn mạnh mẽ; đức Phật cũng dạy rằng: trong cõi trời và cõi người, dù sức mạnh đến đâu cũng không hơn nhẫn nhục.


      Mọi chuyện trong thế gian nếu có rắc rối, hiểu lầm, nói xấu, thóa mạ v.v.. cũng do lòng ganh ghét, đố kỵ mà ra. Lúc đầu chỉ là một đốm lửa nhỏ nhưng vì mê muội, tạo nhiều sơ hở để cho thiên hạ đổ thêm dầu vào gây ra đám cháy lớn, người trong cuộc mất mát tài sản người ngoài cuộc sau khi đổ thêm dầu “thành công” thì vỗ tay cười! Cái vui cái buồn của thế gian thật là nhỏ nhen, bần tiện, phải không, thưa các Bạn ? Như thế nên chúng ta cần đề cao, cảnh giác nghĩa là luôn tỉnh thức để nhận định, nói năng hay im lặng cho đúng, cho hợp tình hợp lý và nhất là cho đúng với tinh thần Phật Pháp.


      Thân kính chúc Anh Chị Em nắm chắc tinh thần nhẫn nhục và ghi nhớ lời dạy của tôn giả Xá Lợi Phất nói với cậu thiếu niên La Hầu La để làm kim chỉ nam cho việc ứng xử trong giai đọan nhiễu nhương này.


      Trân trọng,

                                                                                                                Nhóm Áo Lam 
                                                                                                                                                        Nguồn GĐPT TG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét