Nhân đọc trên trang MANG VIÊN LONG có bài viết PHẬT TẠI LÒNG TA của tác giả Nguyên Cẩn.GĐPT PHƯỚC SƠN xin phép được đăng lại bài viết này. Xin tác giả NGUYÊN CẨN và thầy Mang Viên Long hoan hỷ bỏ qua cho lỗi chưa xin phép.
Bài Viết : NGUYÊN CẨN
" ...Hãy ví khổ như rác, và hạnh phúc như hoa...chuyển hóa khổ đau
chính là biết cách biến rác trở thành hoa..." ( Nhất Hạnh)
Điều
ấy nghe qua tưởng chừng đơn giản nhưng phải mất hơn 20 năm tôi mới nhận
ra khi nhìn lại những ngày khổ nhọc đã qua như những áng mây đen che
khuất bầu trời trong xanh. May mắn thay, niềm tin nơi Đức Phật chẳng
biết tự bao giờ đã luôn ở trong tôi. Có thể bắt nguồn từ ngày mang thai
tôi mẹ hay đọc Quan Âm Thị Kính, có thể từ những ngày rằm tháng bảy, bà
nội hay dắt tôi vào chùa của Hội Bắc Việt Tương tế, nhìn tranh vẽ trên
tường cảnh Mục Kiền Liên xuống Âm ty tìm mẹ, thấy hình phạt dành cho
những kẻ làm ác trên đời mà trong tâm hồn một cậu bé mới lớn đã hình
thành sự vững tin nơi luật nhân quả, lẽ công bằng của thiên lý.
Ra
trường vào những năm sau ngày đất nước thống nhất, trong thời kỳ bao
cấp, phần lớn mọi người đều cơ cực, tôi ra Nha Trang nhận nhiệm sở làm
anh thầy giáo với đồng lương còm cõi, sống một mình còn không đủ, nói gì
đến giúp đỡ gia đình. Một hôm nhận điện báo tin cha hấp hối, tôi quyết
định trở về Sài Gòn ngay trong đêm ấy. “Họa vô đơn chí” như người ta
nói, trong lúc vội vã ra ga, tôi đã bị một kẻ phóng xe bạt mạng đâm vào.
May mà tránh kịp nhưng vẫn bị trật khớp chân, rồi phải sắp hàng cả
buổi chiều đến nửa đêm mới mua được vé, trong lúc chen chúc xô lấn, có
kẻ nào đã lấy mất chiếc ví; trong đó là số tiền tạm ứng cho cả tháng
lương sắp tới của tôi. Cay đắng tột cùng. Trên chuyến tàu đêm ấy, tôi đã
cầu nguyện Đức Quán Thế Âm cho mọi chuyện bình an, gia đình qua cơn
tai biến.
Về
đến nhà, gặp mẹ đang lui cui khấn vái. Mẹ cũng cầu mong cha qua khỏi
cơn nguy kịch. Gia đình lại đang túng bấn, lấy gì lo thang thuốc, mà
rủi cha có bề gì, lo ma chay cũng là một vấn đề.
Những
ngày ngắn ngủi tại Sài Gòn, tôi đã thường xuyên niệm chú Đại Bi và lời
nguyện cầu lúc ấy là phương cách duy nhất lấy lại sự thăng bằng cho tâm
hồn khi cảm thấy bất lực đến cay đắng khi thấy cha nằm mê man mà những
đứa con lại không xoay đâu ra tiền. “Công chưa thành, danh chửa toại”.
Chưa thấy lóe lên chút ánh sáng nào sau bao nhiêu ước mơ kỳ vọng đã bị
vùi dập trong chiến tranh ly loạn... Mẹ thì lại càng tuyệt vọng ngoài
nỗi đau tinh thần còn là nỗi đau thể xác; khi một bên tai bị nhức buốt,
lại phải lo toan cho hai đứa con còn đi học và một người chồng trong
cơn thập tử nhất sinh. Mẹ đã nguyện rằng nếu cha chết xin cho mẹ chết
cùng vì mẹ bảo: “Đã không biết sống làm vui/ Tấm thân nào biết thiệt thòi là thương”
(Kiều). Rồi một hôm mẹ kể lại mẹ đã nằm mơ. Một cụ già râu tóc bạc phơ
như ông Bụt trong truyện cổ tích đã cầm một bình nước đầy ắp đưa cho mẹ
và nói rằng: “Con không chết được đâu. Con hãy lo cho chồng cho con. Của
tiền nhân để lại cho con nhiều lắm nhưng hãy còn ở ngoài khơi”. Sau đêm
đó, mẹ vững tin hẳn lên. Mẹ như tiếp nhận năng lực vô hình từ cụ già
trong giấc mơ ấy mà dậy rất sớm mỗi ngày từ 3 giờ sáng để ra chợ bán
rồi còn chuẩn bị nấu nướng cho con và đem thức ăn cho cha trong bệnh
viện, ở lại đến khuya mới về.
Cứ như thế, cha qua cơn bạo bệnh với ý chí mãnh liệt cùng với sự nỗ lực tột cùng của mẹ và một số bác sĩ tận tâm ngày ấy.
Sau
khi khỏi bệnh, cha dù rất yếu, đã thanh thản ngồi chép kinh vào những
quyển vở vì hồi ấy kinh sách chưa được in lại và cha cũng muốn vừa chép
vừa chiêm nghiệm, thọ trì. Cha chỉ bình thản nói rằng “Nhà ta có trời
phật độ”. Cả gia đình đã vượt qua cơn bĩ cực bằng niềm tin nơi Đức
Phật. Điều cảm nhận thiêng liêng là trong hoàn cảnh khó khăn ấy, gia
đình vẫn vang lên những tiếng cười khi quây quần quanh mâm cơm đạm bạc.
Nói như Thiền sư Nhất Hạnh mà sau này tôi được đọc: “Chúng ta phải nuôi
dưỡng mình bằng những trạng thái không khổ. Phải thực tập chuyển hóa khổ
và thực tập an lạc cùng một lúc” (Trái Tim Của Bụt).
Đã
có lúc tôi toan tính bỏ dạy ở lại Sài Gòn lao vào con đường bán thuốc
tây và chạy áp phe. Cha gọi tôi lại và nói: “Trong hoàn cảnh nào cũng
phải làm người trước đã. Con sẽ hư vì những đồng tiền phi nghĩa. Hãy trở
lại trường tiếp tục công việc và vui với nghề dạy học”. Tôi đã nghe
cha, đã trở lại và tìm thấy những niềm vui, sự kính trọng và ngập tràn
thương yêu từ những đứa học trò ở tỉnh mà hôm nay đây đã 27 năm trôi
qua, dù không còn đứng trên bục giảng, tôi vẫn nhận những tấm thiệp,
những tin nhắn, những cuộc điện thoại hỏi thăm, chúc mừng thầy trong
ngày Nhà giáo hay mỗi độ xuân về.
Gia
đình tôi trong những ngày u ám nhất đã nương Phật làm điểm tựa để vượt
qua, để nhận lấy niềm tin mãnh liệt mà sống, vượt qua những nghịch cảnh,
không trách người, không oán trời vì hiểu đó là nghiệp phải cưu mang và
phải trả. Mẹ vẫn đi chùa những ngày 14 và 30 dù bận thế nào đi nữa. Mẹ
không lý luận, chỉ một đức tin thuần thành và tinh khiết như pho tượng
pha lê trên bàn thờ. Tôi thì luôn dành một đức tin mãnh liệt vào sự bình
an trong tâm hồn mình do việc niệm danh hiệu Quán Thế Âm đem lại. Tôi
thấy mình tỉnh táo, mạnh mẽ và đầy nghị lực. Nhớ tới câu thơ trong tập
di cảo của Hòa thượng Thích Quảng Đức mà tôi tình cờ đọc được:
Đi đứng nằm ngồi đều niệm Phật
Nghiêm trì giới luật Thầy vẫn bên con.
Vâng,
Thầy là Đức Từ Phụ đã soi sáng những góc tối của bi kịch, giúp ta vững
tâm mà an nhiên trước những tai ương, oan khổ. Niềm tin ấy đã làm hành
trang cho tôi vào đời, vượt bao trở lực, có lúc tưởng như làm mình sụp
đổ. Tôi hiểu vì sao khi Đức Phật nhìn phiền não, ngài thấy bồ đề. “Chúng
ta chạy trốn khổ đau để tìm hạnh phúc, chạy trốn thứ này đi tìm thứ
khác vì chúng ta dùng con mắt nhị nguyên; trong khi đó Bụt nhìn bằng con
mắt bất nhị. Ngài thấy hạnh phúc với khổ đau nương vào nhau. Có cái này
nên có cái kia...”(Nhất Hạnh).
Thế
nên Phật hiện ra trong tôi bên mẹ bên cha, là nguồn phúc lạc màu nhiệm
khi chúng ta sống và làm việc trong niềm kính tín sâu xa của chánh niệm.
Và Đức Phật của tôi thật gần trong từng suy tưởng.
NGUYÊN CẨN
( Trong " Bóng Chũ Trước Đèn" nhà XB Thanh Niên - 2013)
Nguồn Nang Viên Long blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét