Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

PHẬT LỊCH ĐƯỢC TÍNH NHƯ THẾ NÀO?




 
     Phật lịch được tính bắt đầu từ khi đức Phật nhập Niết Bàn, chứ không tính từ ngày Phật Đản là ngày Thái Tử Tất Đạt Đa mới vừa đản sanh chứ chưa thành Phật. Điều lý giải này cũng hợp lý và không mấy khó hiểu nhưng có người lại đặt câu hỏi: Vậy thì 80 năm trụ thế và hành đạo của đức Phật tính vào đâu? Nếu thế sao không tính Phật Lịch từ khi ngài thành đạo? Thắc mắc này cũng không hẳn là không có lý.
     Để tìm hiểu Phật lịch của Phật Giáo được tính như thế nào, thiết nghĩ trước tiên cần phải tham cứu một vài yếu tố thông tin căn bản.

Niên đại; những điểm mốc lịch sử và sự dị biệt:

 

         Về vấn đề này, từ trước đến nay có nhiều thuyết và nhiều tài liệu ở Việt Nam cũng chưa thống nhất. Xin hãy tham khảo qua một số ít các tài liệu sau:
- Việt Nam Phật Giáo Sử Lược - Thích Mật Thể -  Minh Đức tái bản 1960, trang 27 có ghi những năm được đề cập về ngày Phật đản sinh: 1027, 1023, 685, 624, 566, 561, 557, 487, 466 TTL.
- Sơ Thảo Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam (tập 1) - Lê Mạnh Thát - Tu Thư Vạn Hạnh 1976, bản in ronéo: Đản sinh vào khoảng thế kỷ VII trước TL.
- Lược Khảo Phật Giáo Sử Việt Nam - Vân Thanh – 1974, trang 22: Đản sinh vào năm 563 TTL và nhập diệt vào năm 483 TTL.
- Lược Sử Phật Giáo Ấn Độ - Thích Thanh Kiểm - Quê Hương tái bản 1971, trang 31-41: Đản sinh ngày mùng 8 tháng 4 năm 642 TTL và nhập niết bàn ngày rằm tháng 2 năm ngài 80 tuổi (544 TTL); sau đó ghi thêm 2 thuyết khác là: 566-486 TTL (theo sách Chúng Thánh Điểm Ký) và 563-483 (theo Sử Pipavamsa của Nam Phương Phật Giáo). Đồng thời cũng ghi thêm: Phật Giáo Nam Phương: Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan lại thường lấy năm đức Phật nhập niết bàn tức năm 544 TTL làm lễ kỷ niệm.
- Thử Bàn Về Cách Tính Phật Lịch - Huyền Cương – Tạp chí Nghiên Cứu Phật Học số 1 – 1997, trang 25-26): Đản sinh 623, xuất gia 604, thành đạo 593, chuyển pháp luân 592, nhập niết bàn 544 TTL.

Những nguyên nhân dị biệt & sự thống nhất được chấp nhận:

     Cả 2 hệ văn học chính của Phật Giáo - Pali và Sanskrit - đều ghi là đức Phật đản sanh nhằm ngày trăng tròn tháng Vesak(1). Đáng tiếc là nền văn học Ấn Độ lúc bấy giờ không chú trọng đến văn học sử nên ngày đản sinh của đức Phật không được ghi chép cụ thể, thậm chí năm sinh cũng không được xác định. Năm sinh và năm nhập niết bàn của đức Phật đã từng là đề tài cho các học giả lớn ở phương Tây phải mất thời gian nghiên cứu và tranh luận rất nhiều, nhưng cuối cùng cũng không ai thuyết phục được ai! Ví dụ trong cuốn When Did The Buddha Live? The Controversy On The Dating Of The Historical Buddha được Heinz Bechert biên tập, nhà xuất bản Sri Satguru Publications tại Delhi xuất bản vào năm 1995, các học giả lớn trong tuyển tập này cũng chỉ đưa ra các giả thuyết tương đối và tuỳ theo cách tiếp cận của mỗi người, chứ không có đưa ra một bằng chứng lịch sử chắc chắn, xác quyết nào. Do đó, trước hết, chúng ta tạm có ý niệm chấp nhận sự tương đối này.
     Nếu căn cứ theo lịch Ấn Độ, tháng Vesak tương đương với tháng 4 âm lịch Trung Hoa và những nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa (trong đó có Việt Nam). Do đó, ngày đản sinh của đức Phật phải là ngày trăng tròn tháng 4 âm lịch, chứ không phải là ngày 8 tháng 4 âm lịch. Nhưng trong sử Phật Giáo Trung Hoa, từ các loại sách Sơ Đẳng Phật Học Giáo Khoa Thư cho đến các bộ sử, truyện của các Cao Tăng có liên quan đến ngày Phật Đản đều ghi lễ kỷ niệm đức Phật đản sanh vào ngày 8 tháng 4 âm lịch.
     Phật Giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng Phật Giáo Trung Hoa rất sâu sắc và lâu đời, do đó trước đây cũng lấy ngày 8 tháng 4 âm lịch làm ngày kỷ niệm đản sanh của đức Phật; kỷ niệm đức Phật xuất gia vào ngày 8 tháng 2 âm lịch, kỷ niệm đức Phật thành đạo vào ngày 8 tháng 12 âm lịch và kỷ niệm đức Phật nhập niết bàn vào ngày rằm tháng 2 âm lịch. Cho đến Đại Hội Phật Giáo Thế Giới lần đầu tiên họp tại thủ đô Ngưỡng Quang, Tích Lan từ ngày 25/5 đến 8/6/1950, toàn thể đại biểu Phật Giáo của 26 quốc gia mới thống nhất lấy năm đức Phật Thích Ca nhập niết bàn làm mốc để tính năm đầu Phật lịch (cờ Phật Giáo thế giới cũng được quyết nghị công bố và áp dụng tại Đại Hội lịch sử này). Rồi đến Đại Hội Phật Giáo Thế Giới lần thứ VI tại thủ đô Nam Vang, Cam Bốt năm 1961, mới chính thức thống nhất ngày kỷ niệm Phật Đản thế giới là ngày rằm tháng tư âm lịch, theo cách chuyển đổi phù hợp của từng quốc gia từ ngày rằm tháng Vesak Ấn Độ.
     Tuy nhiên các quốc gia Phật Giáo theo truyền thống Thượng Toạ Bộ như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt đều làm lễ kỷ niệm chung cho 3 sự kiện trọng đại của đức Phật là đản sanh, thành đạo và nhập niết bàn, gọi chung là “Lễ Tam Hiệp” (Lễ Tam Hợp; The Triple Festival). Các nước theo truyền thống Thượng Toạ Bộ thường dùng nhóm từ ngữ “Vesàkha Puja” (Lễ hội tháng Vesak” hoặc “Vesàkha Pun.n.amiya”m” nghĩa là “Ngày trăng tròn của tháng Vesak” để chỉ ngày lễ này.
     Còn Phật Giáo Tây Tạng tuy thuộc Phật Giáo Đại Thừa nhưng lại chịu ảnh hưởng truyền thống Thượng Toạ Bộ về phương diện này, do đó Phật Giáo Tây Tạng cũng tổ chức chính thức ngày Phật đản sanh, thành đạo và niết bàn vào ngày trăng tròn tháng Vesak của Ấn Độ, tính theo dương lịch nhằm ngày 26 tháng 5, tương đương với ngày rằm của Việt Nam. (Cũng cần lưu ý rằng vì cách tính thiên văn học của mỗi nước khác nhau, nên có năm sẽ có sự chênh lệch 1-2 ngày, thỉnh thoảng chênh lệch 1 tháng do năm nhuận).
     Tại Việt Nam, sau Đại Hội Phật Giáo Thế Giới lần thứ I (1950) nói trên, Đại Hội Phật Giáo Việt Nam năm sau đó - từ ngày đến ngày 6 đến ngày 9/5/1951- tại chùa Từ Đàm, Huế, 51 Đại Biểu Tăng Già và Cư Sỹ của 6 tập đoàn Phật Giáo bắc, trung, nam Việt Nam đã quyết nghị nhiều Phật sự hệ trọng giờ đây đã mang tính lịch sử Phật Giáo, trong đó có việc công bố áp dụng thống nhất cờ Phật Giáo thế giới cũng là Giáo kỳ Phật Giáo Việt Nam và sau Đại Hội Phật Giáo Thế Giới lần thứ VI (1961), Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam thống nhất ngày đại lễ kỷ niệm Phật Đản là rằm tháng tư âm lịch thay vì 8 tháng tư như trước đây (do truyền thống, ngày 8/4 vẫn là ngày khai kinh, tụng kinh vía Khánh Đản và khởi đầu các hoạt động mừng khánh đản cho đến hết tối ngày rằm, thường gọi là Tuần Lễ Phật Đản).
     Riêng về niên đại các thời điểm trong lịch sử đức Phật Thích Ca tại các tài liệu có những dị biệt, căn cứ vào quyết nghị Đại Hội Phật Giáo Thế Giới lần thứ VI (1961), Viện Hóa Đạo Gíáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất sau khi lập hội đồng tra cứu, đối chiếu, đã ban hành thông bạch số 60 ngày 28/3/1962 công bố áp dụng một tài liệu, áp dụng thống nhất các ngày lễ kỷ niệm mà theo các chi tiết được ấn định tại tài liệu đó thì: Đức Phật (tức Thái tử Tất Đạt Đa lúc bấy giờ) sinh năm 624 TTL; lập gia đình năm 17 tuổi (607 TTL); xuất gia năm 19 tuổi (605 TTL); 5 năm hỏi đạo (605-600 TTL); 6 năm khổ hạnh (600-594 TTL); thành đạo lúc 30 tuổi (594 TTL); 50 năm hóa đạo (594-544 TTL) từ 30 tuổi đến 80 tuổi và năm ngài nhập diệt là năm 544 TTL. Phật lịch được bắt đầu tính từ thời điểm này.
      Như vậy, chúng ta có cách tính Phật lịch đơn giản như sau:
     Lấy mốc số 544 cộng với năm dương lịch hiện tại. (Ví dụ: năm 2013 + 544 = 2557. Năm 2013 thì Phật lịch sẽ là 2557). Và do Phật lịch được bắt đầu tính từ năm Phật nhập niết bàn (tức năm 544 trước TL), nên thời điểm đánh dấu Phật lịch mới của một năm là vào ngày Vía Phật Thích Ca Nhập Diệt – 15 tháng 2 âm lịch.
oOo

Những nhầm lẫn thường thấy:

      Trong lĩnh vực tham khảo, soạn thảo, in ấn: Khi ấn loát kinh, sách, lịch và các ấn phẩm Phật Giáo khác, thường chỉ ghi năm dương lịch và Phật lịch đơn giản, ví dụ: DL. 2013 – PL. 2557. Điều này không có gì sai, nhưng khi thực hiện các văn kiện hay các bài viết có sử dụng hoặc chú thích năm Dương lịch cùng Phật lịch, chúng ta thường thấy có sự sai khác, chênh lệch, không thống nhất (thường là sớm hay trể hơn 1 năm). Nguyên do là vì cũng như Âm lịch, thời điểm khởi đầu Phật Lịch mới không hề trùng với ngày đầu năm dương lịch (ngày 1 tháng 1) nên người thực hiện văn bản cần tính kỷ bằng cách tra cứu phối hợp dương lịch, âm lịch và phải hiểu biết cách tính Phật lịch (mốc thời gian thay đổi Phật lịch) nếu không, sự chênh lệch, thiếu chính xác sẽ rất dễ xảy ra. Ví dụ dễ hiễu: Như trên vừa tính (theo mốc 544 + 2013 = 2557) thì năm 2013, Phật lịch là 2557. Tuy nhiên cùng trong năm 2013, từ ngày 26.3.2013 (15/2/ÂL Quý Tỵ) đến ngày 31.12.2013 (29/11/ÂL Quý Tỵ) mới là Phật lịch 2557; còn thời điểm từ 25.3.2013 (14/2/ÂL Quý Tỵ) trở về trước đến 1.1.2013 (20/11/ÂL Nhâm Thìn) lại là Phật lịch 2556.
     Trong lĩnh vực trang trí, tổ chức lễ lượt: Không như lĩnh vực trên, một điều thật đáng tiếc là sự nhầm lẫn không đáng có trong lĩnh vực trang trí, tổ chức các lễ lượt Phật Giáo này – thường thấy nhất là trong đại lễ Phật Đản – những người thực hiện hoặc kiểm soát đều là Tăng, Ni, Phật Tử mà lại sơ ý nhầm lẫn giữa Phật Đản và Phật lịch. Chúng ta đôi khi bắt gặp những biểu ngữ ngớ ngẩn rất khó chịu. (Ở đây lấy ví dụ là lễ Phật Đản năm dương lịch 2013, Phật lịch 2557 - thời điểm chưa đến khi tác giả viết bài này - để khỏi gây khó chịu cho bất cứ ai cụ thể):
     - Lối ghi không rõ ràng và người đọc ít thấy ngay (hoặc ít… khó chịu hơn) do không rõ nghĩa: KÍNH MỪNG PHẬT ĐẢN 2557; KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN 2557 v.v…
     - Lối ghi rất cụ thể, rỏ ràng nhưng… sai: KÍNH MỪNG PHẬT ĐẢN LẦN THỨ 2557; KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN LẦN THỨ 2557; KÍNH MỪNG ĐỨC PHẬT ĐẢN SANH LẦN THỨ 2557 v.v…
     Chúng ta cũng biết hai danh từ Phật Đản và Phật lịch khác nhau rất xa. Như trên đã nói, Phật lịch được tính từ năm đức Phật nhập Niết-bàn, chứ không phải là năm thái tử Tất Đạt Đa đản sinh. Do vậy, để tránh ngộ nhận về niên đại, khi muốn ghi như những trường hợp thứ nhất thì phải thêm chữ Phật lịch (…..), chẳng hạn: KÍNH MỪNG PHẬT ĐẢN – PHẬT LỊCH 2557; còn muốn ghi cụ thể như những trường hợp thứ hai, cần phải cộng thêm 80 năm đức Phật trụ thế (tức từ đản sanh đến nhập niết bàn), ví dụ: 544 + 80 + 2013 = 2637, hoặc đơn giản hơn: 2557 + 80 = 2637, nên phải ghi: KÍNH MỪNG PHẬT ĐẢN LẦN THỨ 2637; KÍNH MỪNG PHẬT ĐẢN SANH LẦN THỨ 2637 v.v…
     Một lưu ý cuối cùng: Phật Giáo Việt Nam tuy theo truyền thống Bắc Tông (Đại Chúng Bộ; Đại Thừa) kỷ niệm vía Phật Thích Ca nhập niết bàn vào ngày rằm tháng 2 âm lịch, tính Phật lịch mới từ ngày này, nhưng nếu là truyền thống Nam Tông (Thượng Tọa Bộ; Tiểu Thừa) phải đến sau ngày rằm tháng 4 âm lịch (lễ Tam Hợp - Vesak: Đản sanh; Thành đạo; Nhập diệt) hằng năm mới bước sang năm mới Phật lịch.
     Chúng tôi cũng biết thêm, có thông tin giải thích là Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới đã quy định năm mới Phật lịch tính từ ngày lễ Vesak – 15.4.ÂL – kể từ sau khi Liên Hiệp Quốc tuyên bố chính thức đưa lễ này vào tổ chức thường kỳ hằng năm ở phạm vi quốc tế(2), tuy nhiên vì chưa sở hữu một văn kiện nào chính thức được lưu hành nên chỉ đưa thêm vào đây như một thông tin tham khảo.
QUANG MAI
CHÚ THÍCH:
     Thông tin tham khảo cho bài viết từ các tài liệu trích dẫn trong bài.
(1) Vesak là tên gọi của tháng thứ hai theo lịch pháp Ấn Giáo tại Ấn Độ, Nepal, Bangladesh. Vesak có nguồn gốc từ tiếng Sinhala, có thể đã được đọc trại ra từ Vaishākha trong tiếng Pali. Các nước coi Phật Giáo là quốc giáo như Tây Tạng gọi lễ này là là Saga Daw; Thái Lan là Visakha Bucha; Lào là Vixakha Bouxa; Indonesia là Waisak; Myanma là Ka-sone-la-pyae...
(2) Ngày 15 tháng 12 năm 1999, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại phiên hợp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự, thể theo đề nghị của 34 quốc gia, nhằm mục đích tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đã chính thức công nhận đại lễ Vesak là một lễ hội tôn giáo, văn hóa quốc tế của Liên Hiệp Quốc. Những hoạt động kỷ niệm được cử hành hằng năm tại trụ sở và các trung tâm của Liên Hiệp Quốc trên thế giới kể từ năm 2000.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét