Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2011

Buổi sinh hoạt thường kỳ10/4/2011

          Buổi sinh hoạt thường kỳ của GĐPT  PHƯỚC SƠN nhưng với ba anh em Như Minh, Như Chơn, Như Trang thì không thường kỳ. Như lời hẹn với các anh Bảo, Tác, Bình rủ về sinh hoạt với GĐPT CHƠN TRUYỀN ở Thuận Truyền, Bình Thuận của các anh. Nói tái sinh hoạt hay thành lập lại hay sinh hoạt theo mùa cũng được... vì đặc thù của từng địa phương khác nhau, ở đây thường mọi năm chỉ sinh hoạt được mùa hè - rồi lại nghỉ đến hè năm sau. Năm nay các anh thử nghiệm tập hợp sớm hơn 2 tháng  để rút kinh nghiệm.  

     Đến sinh hoạt với các em chúng tôi thật xúc động , thấy các em  thật là thương. Các em bắt đầu sinh hoạt từ 12 giờ trưa đến 14giờ30 là phải về. Ban đầu các em rụt rè chẳng nói chuyện, chúng tôi phải trổ hết tài, kinh nghiệm của mình để làm quen ... Hỏi ra mới biết là mấy em phải tranh thủ làm việc nhà rồi mới đi sinh hoạt được - mà bây giờ thì đang mùa gặt lúa, nhổ đậu phộng. Có em còn phải chăn bò, nhặt củi, cắt rau, nuôi heo... nói chung là đủ thứ mà các em bằng tuổi này ở thành thị không phải làm gì cả ( Có khi còn được "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa" nữa chớ). Trời nắng chang chang, các em đã đến sớm từ lúc 11giờ 30, có em đi làm về chưa kịp ăn cơm đã vội vội vàng vàng chạy đến Chùa có em chân tay còn bùn đất chưa kịp rửa...quần áo thì thôi đủ thứ, đủ màu, mũ đủ loại ... chỉ có một thứ giống nhau là đôi mắt sáng rực lên, ánh mắt long lanh trong sáng của tuổi thơ, ánh mắt háo hức đợi chờ những điều mới lạ.
           Đây là buổi thứ hai Ba anh em tôi đến hổ trợ các anh về công tác tổ chức ban đầu ( vì Gia đình Phước Sơn của chúng tôi mới thành lập chưa được một năm, có kinh nghiệm hơn) và các môn hoạt động thanh niên vì các anh Huynh trưởng cấp Tập ở đây ( tuổi đã ngoài 60 rồi )hoạt động thanh niên không nổi. Lớp huynh trưởng trẻ đào tạo đến đâu chỉ xài một mùa thôi, rồi vì làng quê đói khổ đã rời làng ra đi cả, nên để lại cho các anh một khoảng trống không bù đắp kịp. Phải 5 - 10 năm nữa may ra mới có lại lớp Huynh trưởng mới. ( Nhưng rồi lại ra đi thôi, quê mình đói quá mà ai muốn ở). 
          Ở nông thôn chẳng có gì chơi. Con trai nếu đi chăn bò với nhau thì chỉ các trò bắn chim, câu cá, vật lộn, đánh trổng... còn con gái thì đánh nẻ, nhảy dây... các trò chơi mãi cũng chán. Nay có Gia đình Phật tử các em tập hợp về sinh thấy vui nên có vẻ thích thú lắm vừa học, vừa chơi mà.( Nếu giữ được nếp này chắc sẽ tồn tại lâu dài đây). 
          Ngày đầu tiên (tuần trước) tôi phải nhắc mãi các em mới quen tiếng dạ ở đầu câu. Cứ thỉnh thoảng tôi lại hỏi: Anh nói vậy các em có hiểu không? các em la to Hiểu. Tôi phải nhắc CHỮ DẠ ĐÂU MẤT RỒI? thì các em la to DẠ HIỂU. Vậy là anh em đánh vật với chữ DẠ mất gần 45 phút. Hôm nay(1tuần sau), khi tôi hỏi các em nghe rõ không? Thì chỉ các em Oanh vũ thưa DẠ RÕ, còn các anh chị ngành Thiếu la to RÕ tôi lại hỏi CHỮ DẠ RỚT ĐÂU MẤT RỒI? các em lại la to DẠ RÕ. Rồi cười to như biết lỗi . Và từ đó chữ DẠ luôn xuất hiện ở đầu câu của các em. Cảm ơn các em! Thương thật!
          Để có được hơn 30 chục Đoàn sinh về sinh hoạt, các anh Huynh trưởng ở đây phải vất vả lắm. Các anh chia nhau đi vận động gia đình các đạo hữu, bắt đầu từ con cháu, bà con, con cháu bạn bè... dự kiến chắc được 25 em, nhưng đến ngày tập hợp được 30 em, tuần sau lên 45 em. Mừng mừng thiệt mừng, nhưng cũng lo thiệt lo.  Dù các anh ấy không giàu có gì nhưng cũng bấm bụng phân công nhau : Anh Bảo chịu trách nhiệm in 50 quyển Nghi thức tụng niệm của GĐPT , tìm in sao photo tài liệu tu học các cấp, các bài hát sinh hoạt...nói chung là tài liệu. Anh Tác mua bút viết cấp cho các em, mua 50 hoa sen... Anh Bình, Anh Cường mua một ít mũ Tứ ân để trang bị cho một số huynh trưởng( mình tự gọi là Huynh trưởng vậy thôi chứ chưa đào tạo mà, cứ lanh là được) ... và dĩ nhiên là xin tiền vợ chứ quỹ  làm gì có. Tuần trước Anh Nhã, Anh Lộc có xin các bạn ở Sài Gòn được mấy chục mét vải áo, quần mang xuống tặng, anh em mừng hết cỡ, nhưng cũng lo ngay ngáy: tiền may ở đâu, rồi lại lo chỉ được 25 bộ, còn nữa biết tìm đâu ra? Trang bị không đầy đủ cũng kẹt, sinh ra so bì mất đoàn kết thì hỏng bét. Khổ chết đi được.
          Sư cô trú trì Chùa Chơn Truyền đã lớn tuổi, cô lại bị bệnh tim nặng. Ban đầu Sư cô cũng ngại sự ồn ào của các em. Sư cô theo dõi các em sinh hoạt, để ý sự hướng dẫn của Huynh trưởng, thấy nội dung sinh hoạt tốt có ích và nhất là nhìn những ánh mắt sung sướng của các em nhỏ nên Sư cô cũng tươi tỉnh vui vẻ hơn. Nói thiệt chớ cũng quá cực, tuổi già mà còn đau tim nữa,  mà buổi trưa không nằm nghỉ được, trẻ con la quậy ồn ào chịu sao nổi? Ấy vậy mà tôi để ý thấy cô có vẻ hài lòng ra mặt. Cô hoan hỷ, cuối buổi cô bưng mấy cái dưa hấu ra cho anh em ăn. Chúng tôi mừng lắm. Trên thuận dưới hoà ắt thành công. 
          Tôi sẽ nói với các em đoàn sinh của GĐPT PHƯỚC SƠN về chuyện của GĐPT CHƠN TRUYỀN này vào câu chuyện dưới cờ để các em lấy đó làm bài học răn mình. Và chính tôi cũng phải răn mình. Thời gian trôi nhanh quá, 13giờ 30 rồi chúng tôi phải chia tay các em để về sinh hoạt với Gia Đình của mình vào lúc 14 giờ  rồi. Chúng tôi chào Sư cô, bàn giao lại các anh Huynh Trưởng tiếp tục sinh hoạt, rồi lưu luyến chào các em. Các em tranh nhau nói: "ở lại chút nữa mà..." " ở lại nữa  đi anh..." chúng tôi trả lời " hẹn các em tuần sau"ra về mà tôi rơm rớm nước mắt, thương các em quá. Chắc cũng như tôi, Như Chơn, Như Trang cũng thương các em như vậy và nguyện sẽ thường xuyên xuống sinh hoạt với các em, giúp các em sớm vượt qua bước chập chững ban đầu, vững bước đến tương lai. 
          Mong các anh Huynh trưởng ở GĐPT Chơn Truyền  bền tâm, dũng chí củng cố, xây dựng Gia đình tiến mạnh, bền vững. Mong Sư Cô hoan hỷ, nâng đỡ, bảo bọc cho GĐPT chơn Truyền có chỗ dựa vững chắc. Mong Huynh trưởng Đoàn sinh GĐPT Chơn Truyền giữ đúng khẩu hiệu của Gia đình mình là CHƠN TRUYỀN : DŨNG!!!
                                                              Như Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét