Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

Con đường đã chọn

                       CON ĐƯỜNG ĐÃ CHỌN 

         Tiểu luận của  Như Minh - NGUYỄN ĐÌNH THI
                                Số trại sinh: 417   
                Trại HUYỀN TRANG 4 - BÌNH ĐỊNH
                                  2010 - 2011

Tri hun luyn Huynh trưởng Gia đình Phật tử HUYỀN TRANG nhằm đào tạo Liên đoàn trưởng. Rất vinh dự được mang danh hiệu bất tử của Pháp sư HUYỀN TRANG, người đã đi vào lịch sử hoằng dương chánh pháp, xương minh Đại thừa Phật giáo rực rỡ với  bao công trình vĩ đại và hy hữu bằng trí tuệ siêu việt, tài năng tuyệt vời, ý chí kiên cường, dũng lực phi thường của ngài.
Vậy chúng ta là Liên đoàn trưởng hãy noi gương ngài và áp dụng giáo lý đại thừa như thế nào? Cho lý tưởng gia đình phât tử vào cuộc sống hiện tại và tương lai…Hãy trình bày cảm tưởng của mình.

          Đây là một đề tài thú vị, nhưng cũng là một đề tài hóc búa và cũng là những trăn trở, ray rức trong lòng của biết bao Huynh trưởng Gia đình Phật tử trên cả nước hiện nay. Để trả lời được câu hỏi này trước hết phải tìm hiểu kỹ về cuộc đời của Ngaì Huyền Trang, phải tìm hiểu về giáo lý Đại thừa Phật giáo, phải hiểu rõ mục đích, lý tưởng của GĐPT Việt Nam, lại phải hiểu rõ hoàn cảnh lịch sử, điều kiện hoạt động của GĐPT Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Với kiến thức hạn hẹp của người viết bài này, không dám tham vọng viết thành một luận văn hoành tráng, mà chỉ dám nói lên hết khả năng hiểu biết của mình với ước muốn may ra có thể nêu lên một góc nhỏ nào đó của đề tài rộng lớn này.

          Trước hết, nếu trình bày cho thật đầy đủ về giáo lý Đại thừa Phật giáo thì rất dài và khả năng người viết cũng không đủ để làm việc ấy. Ở chỉ xin nêu lên đây tóm tắt về  Đại thừa Phật giáo:

          Đặc chất của Đại thừa Phật giáo:
1)   Lấy Phật làm lý tưởng và lấy sự trở về với nguyên thuỷ tinh thần Đức Phật làm mục tiêu.
2)   Không theo chủ nghĩa ẩn dật mà ở ngay trong thế gian hoạt động với đời sống hằng ngày. Lấy việc cưú độ làm cơ sở vì nhu cầu giải thoát chung. Cố gắng kiến thiết một thế giới tốt đẹp hơn. Nói cách khác cùng một lúc hoàn thành cả hai nhiệm vụ tại gia và xuất gia. Kết quả là phát hoạ ra một quốc gia lý tưởng là TỊNH ĐỘ .
3)   Lấy khổ đau làm cơ duyên để tiến đến khía cạnh cao sâu hơn của sự sống; nên Bồ Tát lăn lộn trong khổ đau để cứu độ chúng sanh và coi đó là một phương tiện thoát khổ duy nhất.
4)   Thế giới quan của Phật giáo Đại thừa là chân không diệu hữu.
5)   Đại thừa Phật giáo có đặc tính thích ứng với tinh thần thời đại nên phải dùng nhiều phương tiện thiện xảo, tuỳ cơ ứng biến để phát triển. ( Tuỳ duyên bất biến, bất biến tuỳ duyên).

Tâm Đại thừa:
1)   Tâm bồ đề: Bao gồm bồn lời thề nguyện lớn:
Chúng sanh không số lượng, thệ nguyện đều độ khắp.
Phiền não không cùng tận, thệ nguyện đều dứt sạch.
Pháp môn không kể xiết, thệ nguyện đều tu học.
Phật đạo không gì hơn, thệ  nguyện đều viên thành.
2)   Tâm đại bi: Xem khổ nạn của chúng sanh là khổ nạn của mình. Niềm vui của chúng sanh là niềm vui của mình. Độ chúng sanh mà không cần báo đáp. Coi việc độ chúng sanh là lẽ đương nhiên. Nguyện thay chúng sanh chịu vô lượng khổ.
3)   Tâm phương tiện: Là phát tâm thực hành bốn nhiếp pháp. Do chúng sanh tình cảm bất đồng, muốn giải cưú khổ đau cho chúng sanh cần có nhiều phương tiện khéo léo. Đức phật đã từng quan sát tánh căn của chúng sanh mà tuỳ duyên thuyết pháp, nói ra 84.000 pháp môn tu.

Tinh thần Đại thừa Phật giáo có thể ví như một bầu trời quang đãng và tươi mát, đầy sức thu hút những ai cần tìm một lối tu chân chính. Tinh thần Phật giáo Đại thừa toả sáng tâm lượng từ - bi - hỷ - lạc và hùng cường, luôn tế độ chúng sanh một cách nhiệt thành, hoá giải bao phiền não của nhân gian trần thế.
Tinh thần Đại thừa Phật giáo hiện nay được thâm nhập trong đại đa số người tu Phật. Khi chọn hướng tu theo Đại thừa người ta dễ gạt qua mọi chấp trước phàm phu che mờ chân tánh, hằng được thăng duyên, trưởng dưỡng Bi tâm, chắc chắn Bát nhã trí sẽ toả sáng để sống giữa thế cuộc phàm tình vô thường bất tịnh mà người tu vẫn tự tại ung dung nhận vận bốn đức chánh chơn là Thường-Lạc-Ngã-Tịnh vậy.

Người có công lớn trong việc xiển dương Đại thừa Phật giáo thì phải nhắc đến Ngài Huyền Trang. Nhắc đến công hạnh vĩ đại của Ngài Huyền Trang, người đời sau đều kính phục và ca ngợi rất nhiều. Ngài Nghĩa Tịnh đời Đường đã nói rõ sự gian khó vô cùng và sự thành đạt kỳ vĩ của Ngài Huyền Trang trên bước đường cầu pháp, xiển dương tam tạng thánh điển Phật giáo bằng bài kệ sau đây:
Tống, Tấn, Tề, Lương, Đường đại gian
Cao Tăng cầu pháp ly tràng an
Khứ nhân thành bách quy vô thập
Hậu giả an tri tiền giả nan.
          Thật vậy theo sử liệu , Ngài Huyền Trang đã vượt qua bao vùng hiểm trở, leo núi, vượt sông, băng qua sa mạc, oằn mình dưới cái nắng nóng ban ngày, tuyết lạnh ban đêm, qua 128 nước để đến được đất Phật. Bằng trí tuệ tuyệt vời Ngài đã để lại cho hậu thế những bản dịch chuẩn mực nhất của tam tạng kinh, luật luận. Qua hạnh trạng , đạo nghiệp đồ sộ và cao quí của Ngài Huyền Trang đã để lại cho Phật giáo, có thể khẳng định rằng Ngài là hành giả duy nhất đã thành tựu một cách tuyệt vời ba điều nhất: cầu học trong thời gian dài nhất ở đất Ấn, trước tác và dịch thuật tam tạng giáo điển nhiều nhất và thành đạt nhất trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh.
          Có thể kết luận rằng sau Đức Phật, Ngài Huyền Trang tiêu biểu cho hình ảnh vị pháp sư vĩ đại có một không hai trên thế gian này. Nương theo những kiến giải sâu sắc nhất và chuẩn mực nhất mà ngài Huyền Trang đã chứng đắc, những người đời sau có thể áp dụng trong việc nghiên cứu và tu hành để loại bỏ được vô số điều xấu ác hiện hữu trong tâm thức của mỗi người và đồng thời giúp mọi người phát huy được những tâm ý tốt đẹp, thánh thiện trên lộ trình tiến đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
          Với tấm lòng chân thành khâm phục, cảm bội ân đức của Ngài Huyển Trang và nhất là học tập noi gương Ngài,  người huynh trưởng Gia đình Phật tử hằng tâm niệm:
1)   Hạnh chí cao cả và khát vọng chân lý không cùng.
2)   Tinh thần bất thối chuyển vô song.
3)   Chí tiến thủ không ngừng và niềm say mê học tập vô tận.
4)   Niềm tin Tam bảo hết sức kiên định nồng nhiệt và thành khẩn.
5)   Trọn đời cống hiến cho Đạo pháp, đất nước và phụng sự chúng sanh.
6)   Nghiêm trì giới lụât lại rất mực khiêm tốn ôn hoà.

Mục đích của Gia đình phật tử là : Đào tạo Thanh - Thiếu - Đồng niên tin Phật  thành người Phật tử chân chánh. Góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội. 
Châm ngôn là BI - TRÍ - DŨNG.

Là người Liên đoàn trưởng có thể tạm ví như như một thuyền trưởng điều khiển con thuyền Gia đình Phật tử với tấm bản đồ và kim chỉ nam ( là nội qui và Phật pháp) trong tay kiểm soát cho con tàu đi đúng hướng. Anh chị phải chịu trách nhiệm cho sự tồn tại, thịnh suy của một Gia đình. Với trách nhiệm nặng nề như vậy, Ngài Huyền Trang đúng là gương sáng cho chúng ta  noi theo.
Học tập gương Ngài Huyền Trang, người Liên đoàn trưởng GĐPT không thể sống bo bo ích kỷ, êm ấm mà tẻ nhạt, đua đòi mà không biết đó là thấp hèn, tự mãn trong dốt nát, hoặc tự ti rằng mình kém cỏi, hoặc biếng trễ  ươn hèn mà tự dối mình, dối người đổ thừa cho lý do hoàn cảnh. Trái lại người huynh trưởng luôn hướng tới chân trời lý tưởng GĐPT với sứ mệnh trồng người thì tấm gương chân lý bất diệt của Ngài Huyền Trang sẽ luôn gần gũi khích lệ chúng ta trên đường cầu học, tu dưỡng rèn luyện và tiến tới hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang.
 Cuộc đời Liên đoàn trưởng cũng sẽ có nhiều chướng ngại khó khăn nhưng so với những gì Ngài Huyền Trang đã trải qua bằng tinh thần kiên dũng bất khuất đạp bằng mọi trở ngại thiên nhiên, khuất phục ma chướng nội tâm để hoàn thành chí nguyện với tinh thần bất thối chuyển thì mọi chướng ngại mà ta vấp phải hiện nay chỉ là một hạt cát trong sa mạc mênh mông.
Người Huynh trưởng nói chung,Liên đoàn trưởng nói riêng với tinh chất đặc thù là “ Khả năng và đạo đức không thể tách rời, trí thức và kinh nghiệm phải được thực hiện nương nhau” và tâm niệm “ Thông suốt đường lối, trau dồi kiến thức”, thì tấm gương tiến thủ và hăng say học hỏi vô tận của Ngài Huyền Trang là nguồn động viên hết sức quí giá, là lời nhắc nhở thường xuyên cho người Liên đoàn trưởng không được cam tâm chịu dốt nát tự mãn- tự ti mà phải có chí tiến thủ, không ngừng nổ lực tìm tòi học hỏi, trau dồi phẩm hạnh, nâng cao kiến thức mọi mặt để vừa hoàn thiện mình, vừa làm điều kiện cần thiết có thể hoàn thành nhiệm vụ giáo dục đoàn sinh.
Học tập gương Ngài Huyền Trang, chúng ta sẽ không chìm đắm trong tà thuyết huyễn dụ mê hoặc, không sa ngã ngụp lặn trong biển mê tiền tài, danh vọng. Củng cố niềm tin chánh pháp, tuyệt đối với niềm tin Tam bảo, tin vào đường lối đúng đắn, lý tưởng tốt đẹp của Gia đình Phật tử và tin vào sự sáng suốt, khả năng giác ngộ của chính mình mà thẳng bước đi trên con đường tu học, rèn luyện và phụng sự lợi đạo ích đời.
Ánh sáng phản chiếu từ tấm Gương Ngài Huyền Trang về tinh thần cống hiến vô hạn sẽ đánh thức những ai trong chúng ta đang vật vờ trong cơn mê biếng trễ, giải đãi mà bỏ bê nhiệm vụ, là tiếng gọi nhiệt tình hối thúc chúng ta đứng lên khỏi sự hưởng thụ vật chất tầm thường, giành sức lực, trí tuệ mà đem ánh sáng nhiệm màu của đạo pháp chiếu sáng cho đời, mang hương sen Gia đình Phật tử gieo rắc cho tuổi trẻ của đời này thêm trong sáng, lành mạnh . Vì đạo pháp mà không ngừng phụng sự, vì lý tưởng của áo Lam mà hăng say cống hiến, vì đất nước quê hương mà hết sức dựng xây, vì một thế giới hoà bình, vì hạnh phúc của nhân loại, vì sự an lành của chúng sanh, chúng ta có thể hy sinh thân mình để đều đó thành hiện thực - nếu cần.
Đối với người Huynh trưởng Gia Đình phật tử- nếp sống, đạo đức chính bản thân ta là tấm gương cho đoàn sinh. Tấm gương ấy sáng hay mờ là do sự tu dưỡng của chính chúng ta vậy. Bỡi vậy với người Huynh trưởng thân giáo là điều cốt lõi, sống còn với uy tín của mình, nói rộng hơn là có thể ảnh hưởng tới thành bại của một gia đình cụ thể. Vì vậy Liên đoàn trưởng luôn tự phản tỉnh bản thân để nghiêm trì giới luật, thực hành Tam quy, Ngũ giới. Nghiêm giữ Năm điều luật của GĐPT, luôn giữ thân, khẩu, ý trong sạch; đức độ đoan trang, không buông lung trác táng. Thái độ nghiêm trang nhưng ôn hoà, nghiêm khắc nhưng bao dung, kiên định nhưng không cao ngạo, khiêm cung nhưng chẳng tự ti. Luôn tạo sự đoàn kết thân ái trong đời sống thường nhật cũng như trong Gia đình Phật tử, tiến tới xây dựng xã hội - một xã hội theo tinh thần Phật giáo Đại thừa.

Giáo lý Đại thừa Phật giáo thật huyền diệu, nhưng có lẽ chúng ta tâm đắc nhất với tinh thần Đại thừa Phật giáo là xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo .
Một xã hội mà mọi người luôn muốn người khác được hạnh phúc và làm việc cho hạnh phúc của người khác, cho sự phát triển của thân tâm người khác, cho sự phát triển vật chất và tinh thần của người khác; cho đến khi họ đạt đến cùng đích của việc làm người là sự hoàn thiện rốt ráo của con người.
Làm cho người khác được hạnh phúc và tinh thần sẵn sàng làm việc tốt đẹp cho người khác chứa đựng một động lực căn bản cho các thành phần là tình thương đối với người khác ( từ bi), sự hăng hái lạc quan vì hạnh phúc của người khác ( hỷ ), sự buông xả về phần mình, ý thức chia sẻ đặt trên cơ sở sự bình đẳng giữa mình và người ( xả). Làm cho mình và người khác tốt hơn, đẹp hơn, đúng hơn do đó hạnh phúc hơn chính là đường đi chung của nhân loại. Đó mà điều chúng ta gọi là tình người hoặc nói theo thuật ngữ Phật giáo là Bồ đề tâm.
Tinh thần vì hạnh phúc chung này phải được thực hành trong mọi lúc mọi nơi để chuyển hoá cá nhân và xã hội. Mỗi người cần phải tự hỏi hành động này ( thân ), lời nói này (khẩu ), suy nghĩ này (ý ),phải chăng có lợi mình hại người, hay chỉ lợi mình mà không ( hay ít ) hại người, hay lợi mình mà cũng lợi người… giá trị chung của nhân loại được đánh giá theo cấp độ như vậy.
Chẳng hạn việc bố thí mà bây giờ chúng ta thường gọi là làm từ thiện. Chúng ta không chỉ đợi bão lụt mới đi cứu trợ, mà chúng ta phải ngăn ngừa để không cho lụt xảy ra bằng cách phải ý thức việc trồng và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. Chúng ta phải làm từ thiện với cả cả thiên nhiên, cây cỏ, tiết kiệm nước, tiết kiệm điện, tiết kiệm đồ dùng sinh hoạt, thực phẩm hằng ngày …chúng ta làm từ thiện ngay trong nhà mình như quét dọn nhà cữa sạch sẽ, nuôi dạy con cái nên người, phụng dưỡng mẹ cha, giúp đỡ anh chị em, giữ gìn hạnh phúc gia đình… chúng ta làm từ thiện tuỳ theo công việc của mình, ví dụ như làm Giám đốc, làm lãnh đạo thì chăm lo sức khỏe, nâng cao đời sống của công nhân, nhân dân… có nghĩa là chúng ta có thể làm từ thiện mọi lúc, mọi nơi, bất cứ ở đâu, lúc nào. Chính vì tính liên tục này mà bố thí được gọi là bố thí ba la mật. Ba la mật chỉ sự trọn vẹn hoàn hảo trong thời gian và không gian. Đó là đơn cử một việc cụ thể vậy thôi, tất cả mọi hành động, lời nói, suy nghĩ của chúng ta cũng đều nghĩ vì người cả… Hãy thử sống trong tinh thần ấy ta sẽ thấy hạnh phúc, tâm ta rộng mở như thể nào?
Nếu tất cả mọi người đều sống trong tinh thần ấy thì xã hội này - một xã hội không có người bóc lột người, mọi người yêu thương nhau và chỉ nghĩ cho lợi ích  người khác và quên mình đi - thì đó là xã hội theo tinh thần Phật giáo. Niết bàn tại thế là đây chớ ở đâu xa.
Xã hội hiện nay tiến nhanh như vũ bão. Sự phát triển của xã hội thì quá nhanh mà có một số vấn đề  tư duy, nếp sống cũ thì thay đổi quá chậm không kịp thích nghi với xã hội mới; đó là chưa nói đến những những người bảo thủ trì trệ cứ  khăng khăng giữ những cái cũ kỹ, lạc hậu mà cứ đinh ninh rằng mình bảo vệ truyền thống tốt đẹp. Cái gì cũng vậy, cũng trải qua thành, trụ, hoại, diệt… luân hồi mãi. Cái gì đúng hôm qua chưa chắc đúng với hôm nay, cái gì đúng với hôm nay chưa chắc đúng với  ngày mai. Chỉ có những tinh tuý sẽ còn lại ( Có người định nghĩa văn hoá là cái gì còn lại sau khi quên tất cả). Đất nước Việt nam ta cũng vậy, từ Văn Lang, Âu lạc, Nam Việt, Vạn Xuân, Đại cồ Việt, Đại Việt,  Việt Nam … tuỳ theo từng thời kỳ, tên gọi khác nhau nhưng truyền thống anh hùng bất khuất, yêu hoà bình, nhân đạo vẫn vậy; rồi tuỳ theo tình hình từng lúc mà tinh thần ấy thể hiện khác nhau. Gia đình phật tử chúng ta cũng vậy tuỳ theo từng giai đoạn mà mang tên Đoàn Phật học Đức dục ( 1940 )là nơi đào tạo thanh, thiếu niên học Phật như  Đồng ấu Phật tử, Gia đình Phật hoá phổ, Hướng đạo Phật tử. Đến năm 1951 mới chính thức mang tên Gia đình Phật tử Việt Nam cho đến nay. Dù thời kỳ nào, giai đoạn nào Gia đình Phật tử cũng giữ đúng mục đích của mình là : Đào tạo Thanh - Thiếu - Đồng niên thành Phật tử chân chánh. Góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội. Và đặt mình dưới sự lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam theo từng thời kỳ.
Đất nước đã thống nhất hơn ba mươi năm, chiến tranh đã lùi xa. Gia đình Phật tử Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang đồng hành cùng dân tộc xây dựng đất nước một đất nước an lành theo tinh thần Phật giáo (ít nhất đó là tâm nguyện của chúng ta). Chúng ta không quan tâm cái tên gọi là Gia đình Phật tử hay Phân ban Gia đình Phật tử vì dù có gọi gì đi nữa thì tôn chỉ, mục đích không thay đổi kia mà. Ví như nước cam lồ dù đựng bằng ống tre, mẻ sành thì nước cam lồ vẫn là nước cam lồ, còn như nước ao hồ thì dù có đựng bằng bình ngọc, bát vàng thì vẫn là nước ao hồ mà thôi. Điều mà chúng ta quan tâm là Gia đình Phật tử có được xã hội công nhận và được hoạt động một cách công khai để chúng ta có đủ điều kiện thực hiện mục đích của Gia Đình phật tử hay không mà thôi. Tinh thần tuỳ duyên bất biến - Bất biến tuỳ duyên của Đại thừa Phật giáo là vậy. Hãy đoàn kết lại, đừng vì  mình vì những chấp nê, và vọng tưởng cá nhân mà làm cho tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam vốn có truyền thống đoàn kết một lòng hơn 60 năm qua bị suy yếu đi, chúng ta phải xây dựng một Gia đình Phật tử Việt nam vững mạnh nếu không chúng ta  sẽ mang tội với đàn em và với lịch sử.

“Con đường củng cố và phát triển Gia đình Phật tử Việt Nam phía trước còn dài, gian nan thử thách còn nhiều; nhưng với lòng tin tuyệt đối vào Tam bảo, noi gương Ngài Huyền Trang, với tinh thần Đại thừa Phật giáo dù có hy sinh thân này con cũng nguyện đi hết con đường mà con đã chọn từ khi phát nguyện làm Huynh trưởng Gia đình Phật tử Việt Nam.”

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.


                               Tây Sơn, Tiết Thanh minh Tân Mão

6 nhận xét:

  1. Tùy hỉ! Tùy hỉ!
    Rất vui mừng được tán thán công đức làm lợi lạc cho quần sanh, đặc biệt là san sẻ những hiểu biết, kiến thức để giúp cho các em, các cháu thanh thiếu niên, của Như Minh - Nguyễn Đình Thi.
    Ở đâu đó tôi đã được thấy Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma viết như thế này: "Share your knowledge. It is a way to achieve immortality".
    Nếu được Như Minh đồng ý tôi sẽ gửi đến Như Minh một số slide về vài "Tuệ ngữ của Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma", tạm gọi là share cho nhau chút gì vậy!
    Vừa rồi có gặp anh Nguyễn Xuân Hải, anh ấy có nói anh ta cũng là "đồng chí" của Như Minh GĐPT Phước Sơn.
    Cho phép tôi được gửi lời chào và chúc tốt đẹp nhất đến GĐPT Phước Sơn và cá nhân Như Minh - Nguyễn Đình Thi.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn Bửu Châu về lời chúc tốt đẹp đến GDPT Phước Sơn và khai trương Blog này. Blog này đang thử nghiệm nên chưa hoàn chỉnh, mong Bửu Châu góp ý thêm. Rất vui khi được đón nhận những đóng góp của Bửu Châu về những bài viết hoặc bài trích từ những nguồn nào đó miễn phù hợp và hữu ích. Đó cũng là bố thí vậy - Bố thí Pháp.

    Trả lờiXóa
  3. đúng là xấu che, tốt khoe.blog và nhân sự đã là phật giáo mà hoàn toàn không trung thực.Nên để cho mọi người cùng được xem ý kiến khi có comments phản hồi, để còn rút những kinh nghiệm chưa đạt,để sửa chửa

    Trả lờiXóa
  4. Bạn nặc danh thân mến!
    Cảm ơn bạn đã thăm Blog này và cho ý kiến thật thẳng thắn. Nếu bạn comments phản hồi thì cứ thoải mái chứ có ai ngăn cẳn đâu( vì đây là ý kiến cá nhân người comments) như bạn thấy đấy. Nhưng còn việc đăng bài thì xin lỗi đây là diễn đàn có tôn chỉ và mục đích riêng nên bài đăng phải chọn lọc cho phù hợp với tôn chỉ của Blog này tránh bị lạm dụng vào mục đích riêng của ai đó. Ngăn ngừa vậy thôi mà, mong bạn thông cảm. À, nếu có tham gia comments thì bạn nên tham gia vói tư cách có địa chỉ hoặc với tư cách tên URL (nếu bạn muốn dấu địa chỉ)thì hay hơn , bỡi để nặc danh nghe kỳ kỳ làm sao đấy. Chân thành cảm ơn bạn

    Trả lờiXóa
  5. trích:NV"...bỡi để nặc danh nghe kỳ kỳ làm sao đấy."
    Chào bạn, tôi chẳng thấy chi là kỳ cục cả,cái chữ nặc danh không do tôi viết ra mà chính do trang của bạn đặt ra đó chứ,nếu vậy thì bạn vui lòng sửa lại là "comments không tên" chẳng hạng.Oh,ví dụ: Thực tế có người lạ mặt vào nhà bạn chơi,và nói vài câu bâng quơ, đã khiến cho bạn phải "bốc hỏa và cố chấp" đến người đó bởi chưa kịp giới thiệu tên hay sao?
    Nhưng dẫu gì cũng cảm ơn bạn đã tự gán cho tôi cái từ nặc danh.Chỉ qua là vì câu hỏi của tôi đối với anh huynh trưởng Nguyễn đình Thi,đã chưa được trả lời,và câu hỏi đó không được đăng lên.Đó có phải chăng là quyền không tôn trọng người nặc danh của BBT trang này.Rất mong bạn thông cảm vậy.
    Mến chào.

    Trả lờiXóa
  6. À. Bạn nặc danh thân,
    Thiệt tình là mình muốn nói là người viết nên có danh xưng như Tí, Tèo gì đó cũng được để người trả lời có cái để gọi, chứ gọi anh, chị gì đó, hay bạn nặc danh1, bạn nặc danh hai nghe kỳ kỳ vậy thôi. Nếu bạn muốn nặc danh thì cũng chẳng sao cả.
    Mong gặp lại bạn tại blog này.
    Thân mến

    Trả lờiXóa