Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Phật Pháp
Bậc Mở mắt
03.10.2010 02:16
Ý NGHĨA VÀO ĐOÀN
Để tìm hiểu trước khi tham gia Gia Đình Phật Tử, mẩu chuyện ngắn dưới đây sẽ giải thích về Ý Nghĩa Vào Đoàn:
Khi còn bé theo cha mẹ đến chùa lễ Phật, em thấy các anh chị mặc đồng phục áo lam, quần xanh, đeo phù hiệu Gia Đình Phật Tử, huy hiệu Hoa Sen, sinh hoạt vòng tròn, ngồi lại từng nhóm để học hỏi cùng nhau. Em thấy vui nên xin cha mẹ cho em tham gia Gia Đình Phật Tử. Từ lúc đến với Gia Đình em tiếp tục thường xuyên đi sinh hoạt. Với đơn xin phép vào Đoàn của cha mẹ, em chính thức thành một Đoàn sinh của Gia Đình.

 
Đoàn là một nhóm người cùng lứa tuổi với nhau họp lại. Thí dụ: một em bé trai bảy tuổi sẽ được sinh hoạt chung với những bạn trai lứa tuổi từ sáu đến mười hai; một cô gái mười bốn tuổi sẽ sinh hoạt với những bạn gái lứa tuổi từ mười ba đến mười tám.
Đoàn sinh trong đoàn cùng nhau học hỏi, vui đùa, chơi thân với nhau, thương yêu nhau chân thành trong tình thương của người con Phật.
Vào Đoàn có anh chị trưởng vui, hiền, sẵn sàng dạy cho các em trở thành người Phật Tử tin yêu Đạo Phật, thành người con hiếu thảo, đứa em ngoan hiền, người bạn tốt. Ngoài ra các em được học hỏi và tập sống với thiên nhiên, học những kinh nghiệm sống căn bản để trở nên lanh lẹ, can đảm và được vui nữa. Trong Đoàn em sẽ có nhiều người bạn tốt sẵn sàng giúp đỡ em trong mọi trường hợp.
Vào Đoàn em nên đi họp Đoàn chuyên cần, đúng giờ, chăm chỉ và vâng lời anh chị Huynh Trưởng. 


CHÂM NGÔN CỦA ĐOÀN
Châm ngôn của Oanh Vũ là Hòa-Tin-Vui.
nghĩa là Hòa thuận, Tin yêu, và Vui vẻ.
Hòa thuận: Là thuận thảo với tất cả mọi người, không tranh giành cãi cọ nhau. Trong gia đình em luôn luôn thuận thảo với anh chị em. Ở trường học em là một học sinh gương mẫu không đánh nhau với bạn bè. Đến với Đoàn em luôn luôn hòa đồng với các bạn trong đoàn, nghe lời những người bạn lớn, hiểu biết hơn mình, giúp đỡ những em nhỏ mới chập chững vào Đoàn.
Tin yêu: Là thương mến, tin tưởng nhau, luôn luôn tin Phật để gần Phật. Em phải thương yêu mọi người như thương yêu chính bản thân em. Em phải tin vào những người lớn, những anh chị Huynh Trưởng, và nhất là em phải tin vào Đức Phật vì Ngài hướng dẫn em trở thành người tốt.
Vui vẻ: Là không buồn giận, luôn luôn tươi cười với mọi người. Em có tính tình vui vẻ sẽ dễ gần gũi với bạn bè, anh chị em. Nũng nịu, giận hờn, la khóc rất khó nhìn, và bạn bè sẽ xa lánh em.
Là Oanh Vũ em luôn luôn Hòa thuận, Tin yêu và Vui vẻ với tất cả mọi người.




LUẬT CỦA ĐOÀN

Là Oanh Vũ em phải thuộc lòng, hiểu và thực hành cho đúng ba điều luật.
1- Em Tưởng Nhớ Phật: Phật rất thương yêu em và thương yêu tất cả mọi người, mọi vật. Tưởng nhớ Phật em sẽ được gần Ngài để bắt chước và noi theo tánh tốt của Ngài.
2- Em Kính Mến Cha Mẹ Và Thuận Thảo Với Anh Chị Em: Cha mẹ hết lòng nuôi nấng cho em khôn lớn, lo cho em học hành nên người; cho nên em phải thương kính cha mẹ. Em còn phải thuận thảo với anh chị em, vì hàng ngày cùng chung sống với nhau, thương yêu giúp đỡ nhau. Em phải ôn hòa với anh chị, nhường nhịn và giúp đỡ với các em nhỏ.
3- Em Thương Người Và Vật: Vì mọi người mọi loài đều biết đau đớn, đói khát, khổ cực. Em có thương yêu người thì mới được mọi người thương yêu lại. Em biết thương yêu người và vật, mới xứng đáng là con ngoan của Phật.

BA NGÔI BÁU

Phật, Pháp, và Tăng là ba ngôi quý báu nhất.
- Phật: Phật là đấng đã giác ngộ, có đầy đủ sáng suốt, biết cứu mình và cứu người thoát khổ.
- Pháp:Pháp là lời dạy của Phật và lời bàn của các vị Bồ Tát, Tổ Sư.
- Tăng: Tăng là người xa lánh gia đình, nguyện trọn đời tu theo Phật hợp thành từng đoàn bốn người trở lên để cùng tu, cùng học.
Huy hiệu HOA SEN
1. Mầu Hoa Sen: Hoa sen màu trắng chỉ sự trong sáng hoàn toàn của trí tuệ và hoàn toàn trong sạch. Màu xanh lá mạ chỉ tuổi trẻ đang vươn lên đầy hy vọng trong tương lai.
2. Hình Tròn: Hình tròn tượng trưng cho sự hoàn toàn của đạo Phật.
3. Huy Hiệu Hoa Sen Có Tám Cánh: Hoa sen từ ngoài nhìn vào:
a. Năm cánh trên chỉ năm hạnh.
Cánh giữa: Tinh Tấn
Trái của cánh giữa: Hỷ Xả
Phải của cánh giữa: Thanh Tịnh
Trái của Hỷ Xả: Trí Tuệ
Phải của Thanh Tịnh: Từ Bi
b. Ba cánh dưới chỉ ba ngôi báu.
Cánh giữa: Phật
Cánh trái: Pháp
Cánh phải: Tăng
4. Ngoài ra hoa sen là loại hoa mọc trong bùn dơ nhưng vẫn tỏa ngát hương thơm, tượng trưng cho người Phật Tử dù sống với xã hội đầy dẫy tội lỗi nhưng vẫn không trở thành xấu xa.

Chuyện Tiền Thân:

LÒNG HIẾU THẢO CỦA CHIM OANH VŨ

Thuở xưa ở núi Tuyết Sơn có một con chim Oanh Vũ thường đi kiếm trái cây thơm chín về dâng cha mẹ đang bị mù. Bấy giờ có một ông chủ ruộng vừa mới cấy lúa và phát nguyện rằng:
- Lúa tôi trồng đây xin nguyện cho chúng sanh dùng.
Chim Oanh Vũ nghe vậy lấy làm mừng rỡ nên thường đến ruộng đó lấy lúa về nuôi cha mẹ.
Một hôm người chủ ruộng đi thăm lúa thấy chim trùng phá hoại lúa liền đặt lưới bẩy và bắt được chim Oanh Vũ. Chim Oanh Vũ thưa rằng:
-Trước đây ông có lòng tốt cho nên tôi mới dám lấy lúa của ông, tại sao ông lại bắt tôi?
Người chủ ruộng hỏi:
- Chim lấy lúa làm gì?
Chim Oanh Vũ đáp:
- Tôi còn cha mẹ mù nên lấy lúa về nuôi cha mẹ.
Nghe xong người chủ ruộng lấy làm cảm phục và thương xót liền thả chim ra và cho phép chim Oanh Vũ từ nay về sau cứ lấy lúa mà dùng. Chim Oanh Vũ là tiền thân của Đức Phật Thích Ca.
Người chủ ruộng là tiền thân của ngài Xá Lợi Phất.


Chuyện Tiền Thân:

CỬ CHỈ NHÂN TỪ CỦA CHIM OANH VŨ

Ngày xưa có một ông vua tính tình nóng nảy, lấy sự săn bắn, chém giết làm thích thú. Một hôm vua vào rừng săn bắn, thấy một con chồn lanh lẹ né tránh mủi tên của mình và chạy trốn vào bụi rậm. Vua sai lính tìm kiếm nhưng không tìm thấy.
Tức giận, vua ra lệnh đốt rừng làm cho thú vật và cây cối bị cháy. Nhìn đám cháy và nghe tiếng thú vật rên la, vua vô cùng thích thú.
Tuy nhiên, trên đám lửa đang cháy, có một con chim Oanh Vũ màu trắng đang hăng hái chữa cháy. Chim bay xuống sông gần đấy nhúng ướt thân rồi bay lại đám lửa rũ nước xuống đám cháy mong dập tắt lửa để cứu các con vật bị nạn.
Theo dõi việc làm của chim Oanh Vũ, vua động lòng trắc ẩn và cảm thấy xấu hổ cho việc làm của mình. Vua liền ra lệnh dập tắt lửa và từ đó cấm không cho ai được vào rừng săn bắn nữa.
Chim Oanh Vũ là một trong những kiếp trước của Đức Phật Thích Ca.


Mẫu Chuyện Đạo:

CON NAI HIỀN

Thuở xưa ở một khu rừng bên bờ sông Hằng nước Ấn Độ có một con Nai lông vàng óng ánh tuyệt đẹp, nói được tiếng người. Nai rất hiền và được sự kính mến của những súc vật khác trong rừng.
Một hôm Nai Hiền ra bờ sông xem nước lụt, bỗng nghe tiếng kêu cứu của một người bám vào khúc gỗ trôi lăn theo giòng nước chảy mạnh. Nai hiền động lòng thương nên liều mình nhảy xuống nước cứu người ấy vào bờ. Cứu xong Nai Hiền quá mệt nhưng vẫn cố đứng cạnh chăm sóc vì nạn nhân còn bất tĩnh. Khi tỉnh dậy người kia lấy làm mừng rỡ nhưng không biết ai đã hy sinh cứu mình. Ngơ ngác nhìn chung quanh chỉ thấy nai Hiền, ông ta liền sụp lạy tạ ơn Nai. Nai bảo ông ta trở về nuôi nấng vợ con và dặn ông ta không được cho ai biết là có Nai ở đây.
Lúc bấy giờ trong cung điện, Hoàng Hậu nằm mộng thấy con Nai Hiền rất đẹp đang thuyết Pháp bằng tiếng người. Bà yêu cầu nhà Vua cho người tìm bắt Nai. Vua liền ra lệnh:
Nếu ai bắt được Nai hoặc chỉ chỗ Nai ở sẽ được trọng thưởng.
Người được Nai cứu, vì quá tham giải thưởng to lớn đã quên lời dặn của Nai Hiền, dẫn Vua đi bắt Nai.
Khi Vua và quân lính đến chỗ Nai ở, Nai lấy làm lạ hỏi nhà Vua:
- Vì sao nhà Vua biết tôi ở đây?

Vua chỉ vào người được Nai cứu và bảo:
- Chính người nầy đã dẫn ta đến đây.
Sau đó Vua nhìn vào người kia thì thấy mặt mày tự nhiên đầy máu mủ. Nai Hiền nói với Vua: - Đó là quả báo của kẻ quên ơn người giúp mình, vì tôi đã cứu người đó khỏi chết. Vua hiểu chuyện lấy làm tức giận hạ lệnh giết người kia. Nai hiền liền xin nhà Vua tha cho người ấy. Vua cảm phục Nai Hiền nên tha cho người đó và bỏ ý định bắt Nai Hiền.


 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email
Gửi ý kiến của bạn về bài viết
Tên bạn: *  (Ghi đầy đủ Họ và Tên có dấu của bạn)
Email: *  (Địa chỉ Email có thật của bạn)
Nội dung *
(Hãy tiếng Việt có dấu.)
Mã kiểm tra Mã kiểm tra
Lặp lại mã kiểm tra *

Những bản tin khác:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét